Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua đã yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng nước này vào cuộc, để ứng phó với thảm họa sóng thần đêm 22/12, nhanh chóng thực hiện các bước đi cần thiết, để tìm kiếm các nạn nhân mất tích và hỗ trợ những người bị thương cũng như sơ tán người dân vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Suốt đêm 23/12, nhiều nhóm cứu hộ, công nhân, xe cứu thương đã phải cố gắng vật lộn với các đống đổ nát, để tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng, bất chấp việc đường xá bị tắc nghẽn, do lở đất và có nhiều vật cản. Đến sáng 24/12, một số thiết bị hạng nặng cũng đã có mặt tại hiện trường, giúp cho công việc đào bới tìm kiếm các thi thể nạn nhân còn sót lại trở nên dễ dàng hơn. Theo người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho, con số thương vong trong thảm họa này sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, công tác nhân đạo hỗ trợ các nạn nhân bị thương, cung cấp lương thực cho những người dân sơ tán cũng đã được các tình nguyện viên, nhân viên các tổ chức nhân đạo đẩy mạnh. Hiện giới chức Indonesia cảnh báo, người dân và du khách tại các vùng duyên hải quanh eo biển Sunda tránh đến gần các bãi biển và cảnh báo thủy triều cao vẫn được duy trì tới ngày 25/12 tới. Đến nay, đã có hơn 3.000 cư dân ven biển được sơ tán lên các vùng cao.
Chia sẻ nỗi sợ sau thảm họa khi trên đường di tản, một số người dân cho biết: “Tôi thật sự rất sợ. Tôi không biết diễn tả thế nào. Tôi từng hỏi con tôi về tình hình nhà cửa. Tôi đã không về đó 2 ngày nay rồi”.
Hiện các nhóm cứu hộ cũng chuẩn bị các phương án đối phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại khu vực thiên tai. Các quốc gia gần Indonesia như Malaysia, Australia hay Nhật Bản và Singapore đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nếu được yêu cầu.
Video: Ban nhạc Indonesia bị sóng thần tấn công khi đang biểu diễn
Trong khi các công tác cứu hộ vẫn còn dang dở, gặp nhiều khó khăn, thì trong ngày hôm qua, nhiều nhà khoa học quốc tế đã cùng lúc đưa ra cảnh báo về một trận sóng thần mới có thể sẽ lại diễn ra tại khu vực này. Theo các chuyên gia, trận sóng thần đêm 22/12 tại Indonesia là kết quả của một sự sụt lún ngầm dưới lòng biển do núi lửa Anak Krakatoa ở eo biển Sunda, nằm giữa quần đảo Java và Sumatra, hoạt động.
Cả hai chuyên gia David Rothery và Richard Teeuw thuộc 2 trường Đại học của Anh đều cảnh báo về nguy cơ xảy ra các thảm họa sóng thần mới tại eo biển Sunda này vẫn ở mức cao khi núi lửa Krakatoa vẫn đang trong giai đoạn “thức giấc” và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm khác dưới lòng biển.
Không giống như những vụ sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh bảo, vụ sóng thần lần này xảy ra sau vụ phun trào núi lửa nên cơ quan chức năng Indonesia có rất ít thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm. Theo các chuyên gia, để khắc phục điều này, các cơ quan chức năng Indonesia cần có các cuộc khảo sát sóng âm để lập được bản đồ đáy biển khu vực gần núi lửa. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi thời gian nhiều tháng mới có thể triển khai.
Bình luận