• Zalo

Sống sót sau vụ nổ siêu tân tinh, sao lùn trắng sáng hơn trước

Khám pháThứ Sáu, 01/07/2022 07:08:02 +07:00Google News
(VTC News) -

Với kính viễn vọng không gian Hubble các nhà khoa học ghi lại quá trình một ngôi sao lùn trắng vượt qua vụ nổ siêu tân tinh giữa vũ trụ.

Sao lùn trắng thường đồng hành với một ngôi sao khác và hút một lượng lớn vật chất từ đó. Vụ nổ tân tinh xảy ra khi sao lùn trắng chuyển sang giai đoạn "hấp hối" do hút quá nhiều vật chất từ ngôi sao đồng hành. Toàn bộ khối lượng tăng thêm sẽ đè lên lõi của sao lùn trắng, khiến nhiệt độ và mật độ ở phần lõi tăng cao tới mức kích hoạt chuỗi phản ứng nhiệt hạch. Kết quả là xảy ra một vụ nổ siêu tân tinh.

Tuy nhiên, ngôi sao lùn trắng được quan sát gần đây vẫn tồn tại sau vụ nổ siêu tân tinh thậm chí còn tỏa sáng hơn trước.

Sống sót sau vụ nổ siêu tân tinh, sao lùn trắng sáng hơn trước - 1

Ngôi sao lùn trắng vượt qua vụ nổ siêu tân tinh nằm cách Trái đất 108 triệu năm ánh sáng, tại thiên hà xoắn ốc NGC 1309 có kích thước bằng 3/4 Dải Ngân hà. (Ảnh: Reuters)

Chúng tôi khá ngạc nhiên khi ngôi sao này không bị phá hủy mà có thể sống sót và sáng hơn cả trước khi vụ nổ”, ông Curtis McCully, nhà khoa học thiên văn cấp cao tại Đài quan sát Las Cumbres ở California nói.

Ông McCully giải thích rằng vụ nổ tạo ra chất phóng xạ - yếu tố làm nên ánh sáng huyền bí của một vụ siêu tân tinh. Một phần vật chất này vẫn còn sót lại trong “ngôi sao sống sót” và khiến nó sáng hơn.

Ngôi sao lùn trắng nằm cách Trái đất 108 triệu năm ánh sáng, tại thiên hà xoắn ốc NGC 1309 kích thước bằng 3/4 Dải Ngân hà. 

Theo các nhà nghiên cứu, mặt trời của chúng ta cũng sẽ trở thành một ngôi sao lùn trắng trong tương lai - số phận của khoảng 97% các ngôi sao tồn tại trong vũ trụ.

"Vào cuối vòng đời của những ngôi sao như mặt trời của chúng ta hoặc lớn hơn một chút, chúng sẽ cạn kiệt nhiên liệu phản ứng hạt nhân trong lõi và biến thành sao lùn trắng. Trong quá trình này, các lớp bên ngoài của ngôi sao bong ra trở thành tinh vân. Phần lõi còn sót lại sẽ hình thành nên sao lùn trắng", ông McCully cho biết.

Vào tháng 5/2021, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cũng dùng Kính viễn vọng không gian Hubble để ghi lại cái chết của một ngôi sao khổng lồ cách Trái Đất 35 triệu năm ánh sáng.

Những hình ảnh từ Hubble cho thấy ngôi sao này có màu vàng kỳ lạ, nhiệt độ trung bình và không có hydro ở lớp ngoài. 

“Nếu một ngôi sao phát nổ mà không có hydro, nó sẽ có màu xanh lam - thực sự, thực sự nóng. Gần như không thể có một ngôi sao lạnh đến mức này mà không có hydro ở lớp ngoài", ông Charles Kilpatrick, nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern ở Illinois, Mỹ, cho biết.

Trần Trang(Nguồn: Hindustan Times)
Bình luận
vtcnews.vn