Làng Thadon nằm trên quốc lộ 1, phía tả ngạn dòng sông Ayeyarwaddy là một vùng đất nghèo, ít phát triển. Giống như đất nước Myanmar mới bước ra khỏi lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ từ Mỹ, nơi đây thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là về viễn thông khi hầu hết người dân đã dùng di động. Thế nhưng, với người dân làng Thadon dùng smartphone, việc lướt web với chiếc điện thoại lại nằm cách đó 10km.
Trước khi, Viettel đầu tư dự án viễn thông tại Myanmar, người dân làng Thadon chủ yếu dùng smartphone (đặc điểm ở Myanmar là người dân đều dùng smartphone) để nghe, gọi, nhắn tin.
Ba mạng đang khai thác thị trường di động tại quốc gia Đông Nam Á này là MPT của Nhà nước Myanmar (42%), Teleenor – Nauy (35%) và Ooredoo – Qatar (23%) dù đã cố gắng cung cấp dịch vụ 3G trong vài năm gần đây, nhưng chất lượng rất thấp, với ít trạm phát sóng.
Để sử dụng dịch vụ Internet, người dân trong làng thường phải di chuyển vào thị trấn Thaton với khoảng cách 10km. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Mytel ra đời (tên thương hiệu của Viettel tại Myanmar). Sự xuất hiện của mạng di động do liên doanh giữa Viettel Global (công ty con của Tập đoàn Viettel) với 2 đối tác địa phương là Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH) phát triển đã và đang mang lại những thay đổi đáng kể về viễn thông với người dân Thadon nói riêng và đất nước Myanamar nói chung.
Cầm trong tay chiếc sim điện thoại 4G, anh Ar Kar Maung, một người dân của Thadon cho biết đây là sản phẩm do chính nhân viên của Mytel mang đến giới thiệu và bán tận nhà cho mình. Công nghệ cao, giá cả thấp và những ưu đãi mới mẻ là điều khiến anh và nhiều người Thadon yêu thích thương hiệu mới được phát triển bởi một công ty quốc tế “có tên gọi gần gũi với người Myanmar”.
“Mytel gọi nội mạng thấp hơn nhiều, giá chỉ bằng một nửa so với các nhà mạng khác. Data của Mytel cũng nhiều ưu đãi hơn khi kích hoạt có 1,5 GB trong 3 tháng, và 300 phút, tôi cảm thấy rất vui với các chính sách mà Mytel đem lại”, anh nói.
Được xem là “mỏ vàng cuối cùng” của Đông Nam Á chờ đợi khai thác, Myanmar chứa đựng những sức mạnh tiền ẩn to lớn, hấp dẫn các nhà đầu tư hàng đầu khu vực và thế giới. Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế lên gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030 dựa trên tốc độ tăng trưởng rất cao (trung bình 7%/năm), đang bứt tốc mạnh mẽ trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin nhờ quy mô thị trường lên tới 63 triệu dân.
Từ một quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thấp nhất thế giới (chỉ sau Triều Tiên), sau khi mở cửa, tỷ lệ sim di động/người dân tại Myanmar tăng từ 10% lên gần 90% chỉ sau 3 năm, trong đó, tổng số lượng thuê bao data tăng từ 600.000 lên tới hơn 16 triệu. Tiềm năng về thị trường và nguồn nhân lực biến Myanmar trở thành miền đất hứa với các công ty trong và ngoài nước, tạo nên môi trường cạnh tranh quyết cả về thực lực tài chính, lẫn sức mạnh công nghệ.
Để tạo ra lợi thế trong cuộc cạnh tranh tại Myanmar khi chỉ là người đến sau, Viettel đã quyết định triển khai công nghệ viễn thông hiện đại nhất cho thị trường này. Trong năm đầu tiên chính thức kinh doanh, Mytel đầu tư cho hạ tầng viễn thông với hơn 7.000 trạm thu phát sóng băng rộng di động 4G, biến Mytel trở thành thương hiệu di động đầu tiên và duy nhất phủ sóng 4G trên phạm vi toàn quốc khi khai trương.
Riêng với hơn 30.000 km cáp quang, Mytel sẽ là mạng lớn gấp 2 lần so với đối thủ liền kề. Trước đó, quốc gia này chủ yếu dùng cáp đồng và viba, tỷ lệ cáp quang thấp, chỉ đạt dưới 1.000 km/triệu dân; nhưng với mạng cáp quang của Mytel, tỉ lệ này tăng lên 50%. Đây là lợi thế cạnh tranh bền vững trong xu thế phát triển mạnh mẽ của nền tảng di động băng rộng thế hệ mới.
Không chỉ đầu tư vào công nghệ, Viettel còn mang tới Myanmar triết lý bán hàng đặc biệt của riêng mình. Không dừng lại ở việc mở các đại lý cố định ở các thủ phủ, Mytel là nhà mạng duy nhất của Myanmar len lỏi tới với mọi người dân ở khắp các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất, bằng việc xây dựng đội ngũ bán hàng lưu động sâu đến từng hộ gia đình.
Dù chưa chính thức khai trương nhưng mỗi ngày, hàng nghìn con người mang màu áo Mytel đều toả đi khắp các ngả đường trên đất nước chùa vàng, mang sim, thẻ cào đến tận tay những người dân ở khu vực xa xôi nhất, tận các thôn, xóm, bản, làng. Mytel giống như một “cơn sóng ngầm” đang chờ ngày trào dâng, đúng như lời hứa của lãnh đạo công ty này là “làm nhanh nhất, tốt nhất, tận tâm nhất, với mục tiêu sớm kết nói 2-3 triệu khách hàng vào mạng 4G của Mytel ngay trong năm 2018”.
Bình luận