• Zalo

Soi rõ điểm mạnh, yếu của tuyển Việt Nam trận thắng sốc Triều Tiên

Thể thaoThứ Ba, 11/10/2016 15:42:00 +07:00Google News

Những gì mà Xuân Trường đã thể hiện trong trận đấu với CHDCND Triều Tiên là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất mà một tuyển thủ Việt Nam có được trong nhiều năm trở lại đây.

Người hâm mộ có thể nói rằng khó có thể đòi hỏi gì hơn từ ĐT Việt Nam trong trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên hôm 7/10 vừa qua. Họ đã chơi tốt cả trong phòng ngự lẫn tấn công, với những màn thăng hoa cá nhân tô điểm cho lối chơi đồng đội có hệ thống. Tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết hơn, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin nói rằng vẫn có thể làm tốt hơn thế…

ĐT Việt Nam có thể chơi tốt hơn nữa

ĐT Việt Nam có thể chơi tốt hơn nữa

Sơ đồ chiến thuật

Đội tuyển Việt Nam, không ngoài dự đoán, xuất phát với sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1. Người chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ là Hoàng Thịnh. Hai bên cánh là Văn Toàn (phải) và Thanh Trung (trái). Ở giữa sân, bộ đôi của HAGL là Tuấn Anh và Xuân Trường chịu trách nhiệm tổ chức. Hàng công tất nhiên là đội trưởng Công Vinh. Có thể nói, đó là những sự lựa chọn đáng tin cậy nhất của HLV Hữu Thắng vào thời điểm này.

Tất nhiên, sơ đồ ra sân chỉ là yếu tố mang tính hình thức. Thực tế thì Việt Nam rất ít khi đá 4-1-4-1. Khi phòng ngự, chúng ta chuyển về sơ đồ 4-4-1-1, với Xuân Trường được đẩy lên để chơi như một cầu nối sau lưng Công Vinh.

Xuân Trường chơi ngay sau Công Vinh khi Việt Nam phòng ngự

Xuân Trường chơi ngay sau Công Vinh khi Việt Nam phòng ngự

Ngược lại, khi tấn công, chúng ta lại gần như chơi với sơ đồ 4-3-3. Hai tiền vệ biên dâng cao như những tiền đạo cánh. Lúc này, Xuân Trường lại lùi lại để nhận vai trò tổ chức, trong khi Tuấn Anh thường xuyên áp sát vòng cấm của đối thủ.

Nhưng khi Việt Nam lên bóng thì Xuân Trường (khoanh đỏ) lại lùi lại đóng vai tổ chức, nhường vai trò tấn công cho Tuấn Anh (khoanh xanh)

Nhưng khi Việt Nam lên bóng thì Xuân Trường (khoanh đỏ) lại lùi lại đóng vai tổ chức, nhường vai trò tấn công cho Tuấn Anh (khoanh xanh)

CHDCND Triều Tiên, trong khi đó, chơi với sơ đồ 4-4-2 kim cương. Tuy nhiên, tiền đạo số 11 của họ thường xuyên lùi xuống và đá rộng như một cầu thủ tự do, chịu trách nhiệm quấy rối và kết nối giữa hàng tiền vệ với tiền đạo to lớn số 24.

Tuyển Việt Nam chơi lệch cánh

Quan sát cách chơi của Việt Nam trong hiệp 1, là hiệp đấu rất thú vị dù ít bàn thắng hơn hẳn, thì ta có thể thấy rõ được sự bất cân đối giữa hai cánh. Những pha lên bóng của chúng ta chủ yếu tập trung ở cánh trái với sự xông xáo của Văn Thanh.

Ở cánh đối diện, Đình Đồng gần như chỉ đá phòng ngự. Phải tới phút 45+1, cầu thủ của Nghệ An mới có pha tham gia tấn công đầu tiên. Quả tạt của anh khá tốt, tiếc là Công Vinh lại xử lý hỏng.

Việc Việt Nam tấn công lệch trái xuất phát từ hai lý do. Chủ quan và khách quan. Về khách quan, chúng ta khó triển khai được những pha lên bóng chỉn chu ở cánh phải do cánh trái của đối phương quá mạnh, với cầu thủ số 6 sở hữu tốc độ và kỹ thuật tuyệt vời.

Về chủ quan, chúng ta chủ động tập trung khoét vào cánh phải, bởi đó là cánh mà chúng ta có nhiều cầu thủ quen chơi hơn.

 Vị trí tấn công của các cầu thủ Việt Nam

Ngoài Thanh Trung bám cánh và Văn Thanh thường xuyên dâng lên hỗ trợ, cánh trái còn thường xuyên “tiếp nhận” Công Vinh, có xu hướng di chuyển ra cánh trái do thói quen chơi bóng ở CLB, và Tuấn Anh, người thường dâng cao hơn trong số hai số 8 của chúng ta ở trận này (Xuân Trường là số 8 còn lại) mỗi khi đội tuyển chuyển sang trạng thái tấn công.

Trong hiệp 1, chúng ta đã có rất nhiều pha phối hợp đặc sắc bên cánh trái, nổi bật là những pha phối hợp giữa Công Vinh với Thanh Trung, hay giữa Tuấn Anh và Văn Thanh.

Clip: Việt Nam 5-2 Triền Tiên

Trong phòng ngự, đặc biệt là ở hiệp 1, cánh trái cũng là cánh có tổ chức tốt hơn. Điều này xuất phát từ cách chơi của hai tiền vệ cánh.

Ở cánh trái, Thanh Trung giữ vị trí rất tốt, ngoài việc gây được sức ép liên tục khiến hậu vệ đối phương không dám lên bóng, còn thường xuyên xuất hiện kịp thời để hỗ trợ Văn Thanh, tránh không để cánh trái bị rơi vào tình trạng underload (ít người hơn đối thủ).

Ngược lại, bên cánh phải, Văn Toàn tỏ ra thiếu cảm giác về vị trí không có kỷ luật chiến thuật. Cầu thủ của HAGL, vốn quen đá tiền đạo, thường đứng sai chỗ và tự biến mình một mắt xích lỏng lẻo trong hệ thống.

Văn Toàn đứng sai vị trí, nên đối phương chỉ cần một pha bấm bóng đơn giản là loại được anh, và đặt Đình Đồng vào thế đối mặt với tiền vệ số 6 của đội bạn

Văn Toàn đứng sai vị trí, nên đối phương chỉ cần một pha bấm bóng đơn giản là loại được anh, và đặt Đình Đồng vào thế đối mặt với tiền vệ số 6 của đội bạn

Một đường chuyền bổng từ hậu vệ đối phương là đủ để loại Văn Toàn ra khỏi vòng chiến, và đặt cánh phải của Đình Đồng vào tình trạng bị quá tải. Phần lớn những pha bóng nguy hiểm nhất của CHDCND Triều Tiên trong hiệp 1 đều tới từ cánh này.

Vai trò của Xuân Trường

Có thể nói, những gì mà Xuân Trường đã thể hiện trong trận đấu với CHDCND Triều Tiên là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất mà một tuyển thủ Việt Nam có được trong nhiều năm trở lại đây.

Nếu chúng ta bỏ qua tính chất của trận đấu, thì với những gì Xuân Trường đã thể hiện, anh có thể chạm vào trình độ của những tiền vệ hàng đầu khu vực, và có khả năng gợi ra những liên tưởng, so sánh với những tiền vệ trung tâm hàng đầu thế giới.

xuantruong-01-2024

 Xuân Trường kiến tạo, ghi bàn tốt

Như đã nói, Xuân Trường mỗi khi đội bóng phòng ngự thì chơi cao nhất trên hàng tiền vệ, ngay sau lưng Công Vinh, còn khi đội bóng tấn công thì lại lùi xuống, chỉ cao hơn Hoàng Thịnh. Dụng ý của HLV Hữu Thắng khi bố trí như thế là để khai thác hết khả năng xử lý ít chạm, tầm quan sát và dải kỹ năng chuyền bóng rộng của Xuân Trường.

Khi Xuân Trường có bóng, anh thường chỉ mất tối đa 2 động tác để thực hiện xong một đường chuyền tốt. Điều này giúp Việt Nam khi phản công thì gọn ghẽ, khi tấn công thì không mất quá nhiều thời gian build-up, vốn là điểm yếu của đội tuyển chúng ta do chất lượng cầu thủ không cao và đồng đều.

Điểm mạnh của Xuân Trường, như ta thấy trong clip trên, là khả năng chuyền bóng cực đa dạng. Anh có thể chuyền bóng bằng chân trái, bằng chân phải. Có thể chuyền dài chéo sân, cũng có thể chuyền sệt xuyên tuyến, với độ “ngọt” không khác gì nhau.

Ngoài ra, như những tiền vệ trung tâm khác, khả năng làm chủ không gian của Trường là tuyệt vời. Anh liên tục quan sát, điều chỉnh vị trí, để ngay thời điểm nhận bóng, anh đã biết mình phải làm gì tiếp theo.

Không có gì bất ngờ khi ta thấy gần như tất cả những pha lên bóng đáng chú ý của Việt Nam đều qua chân Xuân Trường. Pha chuyền bóng kiểu lá vàng rơi cho Văn Thanh ghi bàn và cú cứa lòng nâng tỉ số lên 4-2 (trước đó là một pha chọn chỗ bắt bài chính xác) là những pha xử lý hiếm có trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Ngay cả trong bàn gỡ hòa 1-1 của Tuấn Anh, người có pha chuyền bóng nhanh cho Công Vinh cũng chính là cầu thủ người Tuyên Quang.

Những điều cần khắc phục

Chúng ta không muốn cứ đi mãi cái vòng luẩn quẩn thử kêu đốt xịt, nghĩa là giao hữu thì chơi tưng bừng nhưng tới giải chính lại gây thất vọng, do đó điều cần làm nhất sau trận thắng CHDCND Triều Tiên không phải là ngồi tung hô lẫn nhau.

Chúng ta cần nhìn vào những điểm tích cực để phát huy. Nhưng còn cấp kíp hơn là việc nhìn thấy những điểm yếu để khắc phục.

Vị trí của Văn Toàn là một trong số đó. Bóng đá hiện đại thực ra có không ít những cầu thủ như Văn Toàn, nghĩa là tấn công thì rất hay, rất đột biến, nhưng gần như không có đóng góp nào trong phòng ngự, nếu không muốn nói là gánh nặng của đội.

Cristiano Ronaldo là một điển hình. Nhưng nếu một đội bóng ở trình độ như Real Madrid cũng khốn khổ để gánh việc cho Ronaldo, thì chúng ta biết rằng đánh cược với Văn Toàn, nếu anh cứ đá như trận gặp  CHDCND Triều Tiên, là một điều mạo hiểm.

Khả năng pressing cũng là một vấn đề. Nếu chúng muốn đánh bại những đội bóng mạnh hơn, trước mắt là Thái Lan chẳng hạn, thì chúng ta gần như chỉ có một cách duy nhất là mài giũa khả năng pressing.

Khoảng trống sau lưng  Văn Toàn khá lớn

Ở trận đấu với  CHDCND Triều Tiên, chúng ta chơi pressing khá tệ. Một phần vì có một mắt xích bị lỗi (Văn Toàn), nên đội hình trở nên lỏng lẻo. Một phần vì các cầu thủ không quen chơi pressing ở CLB, mà pressing lại đòi hỏi phải rèn luyện ở mật độ hàng tuần/hàng ngày tới mức thành bản năng.

Sự xộc xệch của chúng ta khi pressing thể hiện ở vị trí của Công Vinh. Quan sát cách đội tuyển thi đấu, có thể đoán được ý đồ của HLV Hữu Thắng là chờ khi đối phương bắt đầu tiếp cận vòng tròn giữa sân rồi mới bắt đầu tăng sức ép.

Clip: Indonesia 2-2 Việt Nam

Tuy nhiên, Công Vinh thường xuyên tự mình “tổ chức” gây sức ép với các cầu thủ phòng ngự đối thủ. Đó là một nỗ lực vô vọng (hay vô kỷ luật) mà bạn thường thấy ở Ronaldo trong các trận El Clasico.

Một mặt, nó khiến Công Vinh tiêu tốn năng lượng không cần thiết. Mặt khác, quyết định của Công Vinh đôi khi lại khiến các đồng đội phải dâng lên hỗ trợ, dẫn tới việc đội hình bị đẩy cao khi tất cả còn chưa sẵn sàng.

Không những chọn sai thời điểm, cách Công Vinh gây sức ép cũng chưa đúng. Để pressing đạt hiệu quả tối đa, một tiền đạo như Công Vinh ít nhất phải cover được 2 hậu vệ của đối thủ, một người anh trực tiếp gây sức ép, và một người ở sau lưng, dưới “cái bóng” của anh (nói nôm na là anh sẽ cắt ngang đường từ cầu thủ đang có bóng tới cầu thủ sau lưng).

Tình huống hiếm hoi trong trận Công Vinh pressing tốt. Anh vừa gây sức ép được với hậu vệ đang cầm bóng, vừa chặn đường chuyền về hậu vệ phía sau, buộc đối phương phải chuyền dài

Tình huống hiếm hoi trong trận Công Vinh pressing tốt. Anh vừa gây sức ép được với hậu vệ đang cầm bóng, vừa chặn đường chuyền về hậu vệ phía sau, buộc đối phương phải chuyền dài

Nhưng Vinh gần như không bao giờ ngoảnh lại quan sát khi di chuyển gây sức ép, thế nên, dù rất nỗ lực, anh vẫn thường bị đối phương loại bỏ bằng những pha chuyền bóng đơn giản.

Ngoài ra, chúng ta cũng tỏ ra chậm thích nghi đối phương thay đổi chiến thuật của đối phương. Sang hiệp 2, Triều Tiên bất ngờ đẩy mạnh tấn công vào cánh trái của chúng ta để khoét vào khoảng trống mà Văn Thanh thường bỏ lại khi anh băng lên (HLV Triều Tiên thay tới 2 cầu thủ ở cánh phải chỉ sau có 45 phút).  

CHDCND Triều Tiên đã tạo được rất nhiều cơ hội nguy hiểm bên cánh này, mà một trong đó đã dẫn tới bàn gỡ 2-2.

Bàn thua đầu tiên cũng sẽ khiến Hữu Thắng phải đau đầu. Trong tình huống dẫn tới bàn thua đó, một tiền đạo của CHDCND Triều Tiên bất ngờ lùi xuống, khiến trung vệ và tiền vệ phòng ngự của chúng ta mất một thoáng chần chờ để “phân công” người kèm (thực tế là không biết ai nên theo anh ta).

Thoáng này là đủ để tiền đạo kia chiếm tiên cơ, nhả lại cho số 8 chọc khe cho số 24 ghi bàn. Đó cũng chính là một trong những cách phối hợp tấn công quen thuộc của người Thái!

Kết luận

Đánh bại, và đánh bại với tỉ số đậm đà, một đội bóng từng dự World Cup 2010, dù đội bóng ấy đá với lực lượng nào và ra sân với tinh thần ra sao, luôn đáng được xem là một kỳ tích. Và đáng ngợi khen. Đặc biệt là khi đội bóng thể hiện được những tiến bộ thấy rõ về lối chơi và tinh thần. Và đặc biệt hơn là phong độ ấn tượng của những ngôi sao trẻ đang “du học” như Tuấn Anh, Xuân Trường (Công Phượng vẫn cần kiểm chứng).

Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta tự đưa nhau lên mây. Khen thì cứ khen, nhưng khen để động viên, khích lệ, cho các cầu thủ thêm tự tin khi ra sân, chứ không phải để người khác cảm thấy phản cảm, kiểu “khen cho chết”.

Ngoài ra, nếu có thể, thì những người có chuyên môn nên lên tiếng, bằng một cách nào đó, về những vấn đề cần phải giải quyết của đội tuyển. Điều đó, tôi nghĩ, mới là điều mà HLV Hữu Thắng thực sự cần.

Nguồn: vietcuongbongda.wordpress.com
Bình luận
vtcnews.vn