Theo quy định tại bộ luật Dân sự hiện nay, mức lãi suất cho vay tối đa với các khoản vay dân sự chỉ là 20%/năm (trừ trường quy định hợp pháp luật liên quan quy định khác).
Trường hợp cho vay với lãi suất vượt quá 5 lần so với trần lãi suất cho phép của Bộ luật Dân sự (tương ứng 100%/năm), thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Thế nhưng, đại diện Cục Cảnh sát hình sự cho biết, thực tế hiện nay, mức lãi suất của hoạt động tín dụng đen cao hơn rất nhiều so với trần lãi suất cho vay dân sự cho phép. Trong đó, mức lãi suất phổ biến trong khoảng 300-500%/năm, thậm chí, một số trường hợp bị phát hiện cho vay với lãi suất lên tới 700%/năm.
Bên cạnh mức lãi suất 700%, các đối tượng cho vay tín dụng đen thường gắn với hành vi đòi nợ kiểu khủng bố, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Nhiều công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bên ngoài hoạt động hợp pháp, nhưng chỉ số ít nhân viên có hợp đồng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, còn lại đa số là nhân viên không chính thức, không ký hợp đồng hoặc liên kết, thuê, đứng đằng sau là các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Các đối tượng này sử dụng nhiều hình thức đòi nợ gây áp chế và ảnh hưởng đến tinh thần, đời sống của người nợ tiền nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc rất khó để xử lý hình sự. Trong khi đó, các mức xử lý hành chính hiện nay không đủ sức răn đe.
Tại Hội nghị Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết để góp phần đẩy lùi tín dụng đen với nhiều hệ lụy, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân.
Để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh các giải pháp ngành ngân hàng nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.
Vì vậy, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”; đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ; có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”.
Theo báo cáo của NHNN, đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019.
Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.
Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.
Bình luận