“Sốc”, “tổn thương” là những gì mà chị Nguyễn Thị Mai Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa trải qua khi nhận tin hồ sơ đa số toàn điểm 10 của con bị loại trong vòng xét tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
“Hai mẹ con đã dành suốt mấy năm tiểu học để chuẩn bị một học bạ đẹp, mong vào được lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng không nghĩ đến việc bị “tạch” từ vòng hồ sơ như thế này”, phụ huynh trẻ nghẹn ngào nói.
Tổng 17 đầu kiểm tra định kì cuối năm ở bậc tiểu học gồm Toán, Tiếng Việt lớp 1, 2; Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 3; Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Anh lớp 4, 5) của con chị Hương đạt 168 điểm. Tuy nhiên, năm học lớp 1 cháu có môn Âm nhạc xếp mức “Hoàn thành”.
Với chị Hương, quy định tuyển sinh bất hợp lý của trường đã đập tan ước mơ của học sinh ngay khi các con chưa trải qua bất cứ bài thi đánh giá năng lực nào để vào được ngôi trường mơ ước. Thế nên mọi sự cố gắng của cả con cái và phụ huynh đến cuối cùng đều không được đền đáp.
Tương tự, chị N.T.M.Q (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hồ sơ của con chị bị loại vì kết quả học tập lớp 1 môn Mỹ thuật chỉ đạt mức "Hoàn thành". Lớp 2, 3, 4, 5, cháu đạt danh hiệu "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện". Lớp 1 cháu đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt các nội dung học tập". Hồ sơ của con chị M.Q suýt đạt đến sự hoàn hảo nếu như không có một môn phụ xếp mức "Hoàn thành". Khi nhận thông tin hồ sơ của con không được chấp nhận, phụ huynh này cảm thấy "sốc nặng" và "buồn không diễn tả nổi".
Chị Đ.T.H (quận Nam Từ Liêm) cũng tỏ ra thất vọng khi học bạ từ lớp 2 - lớp 5 của con đều đạt điểm 10 mà vẫn trượt vòng xét hồ sơ. Chị Đ.T.H cho biết thêm, các phụ huynh có con bị loại hồ sơ vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với lý do tương tự như trên hiện lên đến hơn 100 người. Một số phụ huynh bàn nhau nộp đơn kiến nghị về điều kiện xét tuyển của trường này.
Mỗi năm, điều kiện tuyển sinh vào lớp 6 của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lại có sự thay đổi.
Năm 2020, học sinh phải đạt danh hiệu "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện" ở lớp 2, 3, 4, 5. Tổng điểm sơ tuyển thí sinh phải đạt từ 137 điểm trở lên mới đủ điều kiện để tham gia vòng 2 - thi tuyển.
Năm 2021, học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh phải đảm bảo đủ điều kiện: Học bạ cuối năm các khối lớp từ 1 đến 5 đều đạt danh hiệu “Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện” trở lên, trong đó, 2 năm học lớp 4 và 5 phải đạt danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.
Năm 2022, thí sinh dự tuyển cần có học bạ các năm lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.
Năm 2023, điều kiện dự tuyển được đánh giá là khắt khe hơn. Ngoài tổng 17 đầu điểm bắt buộc phải đạt tối thiểu 167 điểm, công văn đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2023 - 2024 ghi rõ:
"Học bạ tiểu học của học sinh được đánh giá thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và đào tạo, cụ thể: Học bạ cuối năm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 của học sinh được đánh giá "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" trở lên".
Kỳ tuyển sinh vào lớp 6 năm nay, trường Amsterdam yêu cầu học sinh phải có học bạ "đẹp không tì vết" ngay từ năm lớp 1. Sự thay đổi này khiến nhiều phụ huynh cảm thấy thất vọng khi giấc mơ vào trường của con bị "đứt gánh giữa đường".
Ông Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng trường THCS Hải Lý (Nam Định) lo ngại nạn "chạy điểm" bùng phát khi nhà trường yêu cầu học sinh có học bạ hoàn hảo như trên. "Nhìn nhận thực tế, có những học sinh không có năng khiếu Âm nhạc, Mỹ thuật mà đòi hỏi các em phải xuất sắc thì có quá đáng không?", ông trăn trở.
Hơn thế nữa, chỉ nhìn vào học bạ để đánh giá năng lực học sinh thì khó đảm bảo sự công bằng, chính xác. Nhân tài sẽ không có chỗ đứng khi giáo dục còn nặng về thành tích ảo.
Bình luận