Sở Y tế TP.HCM có công văn yêu cầu chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới đến các bệnh viện, trung tâm, phòng y tế trên địa bàn.
Động thái này được đưa ra sau khi Bộ Y tế nhận được phản ánh về một số cơ sở khám, chữa bệnh cũng như bác sĩ tự nhận có thể chữa khỏi "bệnh" đồng tính.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện, nơi khám, chữa bệnh phổ biến để nhân viên y tế và người dân đến khám không xem người đồng tính, song tính hay chuyển giới là bệnh.
Người đồng tính, song tính hay chuyển giới phải được khám chữa bệnh bình đẳng, tôn trọng giới tính; không phân biệt đối xử, kỳ thị; không được can thiệp, ép buộc những người này điều trị.
Sở Y tế cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh, nếu phát hiện các hành vi quảng cáo hay điều trị bệnh đồng tính sẽ xử lý nghiêm.
Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh Tâm thần. Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định đồng tính không phải bệnh.
WHO định nghĩa đồng tính là những người có xu hướng tính dục với người đồng giới, đồng thời khẳng định người đồng tính không thể "chữa", không cần "chữa" và cũng không thay đổi được.
Kể từ năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 - Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần.
Năm 2018, báo cáo của Đại học La Trobe ước tính có ít nhất 10 trung tâm, tổ chức hoạt động dưới danh nghĩa chữa trị khỏi “bệnh đồng tính” tại Australia và New Zealand. Sau Queensland, chính quyền tại hai nơi, gồm bang Victoria và thủ đô Canberra, cũng tuyên bố sẽ áp dụng điều luật tương tự trong thời gian sớm nhất.
Hồi tháng 7, Israel trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên chuẩn bị ban hành lệnh cấm các biện pháp “trị liệu đồng tính”, vốn được nhiều người theo đạo Hồi coi là sẽ giúp người đồng giới “không còn lệch lạc”.
Trên thế giới, một số quốc gia như Malta, Brazil và Đức cũng ban lệnh cấm một phần hoặc hoàn toàn các liệu pháp chuyển đổi áp đặt lên người đồng tính.
Bình luận