• Zalo

Sao lại có những người ca thán 'sợ Tết', 'chán Tết'?

Giới trẻThứ Ba, 14/01/2020 00:17:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tết nhạt hay không là do mỗi người, không lẽ mọi người sợ và chán Tết đến mức chẳng cần đoàn tụ gia đình, con cháu chẳng cần tỏ lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên.

Những ngày Tết cận kề, chẳng khó khăn để bắt gặp trên Facebook những hình ảnh hay dòng trạng thái than phiền: “Đang yên lành tự nhiên lại Tết”; "Nhà bao việc lại còn Tết với nhất"; "Có ai sợ Tết như tôi không?"...

Điều kỳ lạ, khi những dòng trạng thái này được đăng tải lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của dân mạng. Người ta nhao nhao vào bình luận, biện hộ đủ mọi lý do để chứng minh ngày Tết "đáng sợ" đến nhường nào.

"Chưa gì mẹ đã kêu khi nào về rồi dặn dò đủ thứ là phải về sớm. Mình hỏi về sớm làm gì thì mẹ bảo về dọn nhà! Thật đáng sợ!", tài khoản Trịnh Xuân Quân bình luận.

"Ngày quốc tế dọn nhà sắp đến rồi, đáng sợ quá"; "Cả tuần nằm ườn, chẳng biết làm gì cho hết Tết", "Tết không tiền thì Tết làm gì"; "Tết chỉ ăn với ngủ, chán òm"; "Tuần lễ ẩm thực bánh chưng xanh, nem rán, giò lụa sắp tấn công chúng ta"; "Lớn rồi, Tết có còn được tiền mừng tuổi nữa đâu mà mong"; "Tết có còn như xưa nữa đâu mà chẳng chán"...là một số lý do sợ Tết, chán Tết mà giới trẻ đưa ra.

Sao lại có những người ca thán 'sợ Tết', 'chán Tết'? - 1

Những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội những ngày giáp Tết. (Ảnh: Zing)

Thậm chí, với nhiều bạn trẻ, họ coi trọng những ngày lễ phương Tây du nhập vào nước ta hơn cả ngày Tết cổ truyền. Giá trị của Tết và những nét văn hóa dần bị mai một, thậm chí bị coi thường, cho là lễ nghi rườm rà, đi lễ chùa bị coi là mê tín dị đoan.

“Mình cảm thấy không cần thiết phải có đến 2 dịp Tết trong một năm. Tết giờ cũng có như xưa nữa đâu nên hoàn toàn có thể xóa bỏ. Chỉ cần nghỉ ăn Tết Tây thôi thì bao người bớt phải lo nghĩ”, tài khoản Mỹ Linh bình luận.

Tài khoản Phương Hà nêu quan điểm: "Thời buổi này vẫn còn cơm nước cúng bái suốt mấy ngày Tết, cúng nhà chưa đủ, mọi người còn đổ xô đi lễ chùa, chen chúc nhau. Không biết mọi người thấy sao chứ mình thấy mẹ suốt ngày lúi húi trong bếp lo cơm cúng mấy ngày, đêm giao thừa thì chẳng bao giờ được đi chơi. Nghi lễ thực sự rườm rà và mê tín".

Đối với Phạm Trang Nhung, Tết trở thành nỗi ám ảnh của cô nàng khi năm đầu làm dâu đã phải đầu tắt mặt tối suốt mấy ngày trong bếp để cơm nước chuẩn bị tiếp đãi khách rồi lại dọn dẹp.

"Không chỉ phải chu toàn lễ nghĩa bên nhà ngoại, giờ lại có thêm cả nhà chồng. Chưa kể, chồng mình lại là con cả, bao nhiêu buổi tụ tập, ăn uống một tay mình chuẩn bị. Ăn uống chè chén xong, lại la liệt, một mình mình xử lý hậu quả”, Nhung kể.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều người lại cho rằng, đó chỉ là những lời biện hộ cho sự lười biếng của những người trẻ rảnh rỗi. "Nếu chán Tết chỉ vì những lí do lãng xẹt như vậy thì chắc chắn là do a dua chứ sợ với chán Tết cái nỗi gì. Đừng biến nó thành trào lưu vậy chứ", tài khoản Nguyễn Anh bình luận.

Trong khi hàng loạt người than thở vì sắp Tết được đăng lên, nhiều người lại thèm khát có những ngày Tết thực sự. Guồng quay của công việc, deadline của sếp, áp lực KPI đẩy những tin nhắn “Con ơi, bao giờ nghỉ Tết?” của bố mẹ vào danh sách chờ, thậm chí quên mất không đọc. Ít có thời gian để về thăm bố mẹ, họ bị công việc cuốn đi, nhiều khi sực nhớ rằng mình cần một bữa cơm quây quần đủ các thành viên trong gia đình.

Sao lại có những người ca thán 'sợ Tết', 'chán Tết'? - 2

Có những giá trị truyền thống nhất định phải được lưu truyền, gìn giữ, nhưng nếu bạn không muốn hiểu, không tìm cách hiểu chúng thì đó sẽ mãi mãi là vật cản.

Mạnh Quân (24 tuổi, Melbourne, Australia) chia sẻ: "Mình thèm cảm giác chạy về ngay với mẹ, quẳng lại tất cả những lo toan. Mọi người kêu gào trên mạng sợ Tết, chán Tết chỉ vì họ rảnh quá và lười quá đấy thôi. Chứ Tết đến dọn nhà là chuyện bình thường. Giữ sạch sẽ cả năm, Tết đến trang hoàng nhà cửa lộng lẫy, ai mà chẳng thích, có gì phải sợ. Tết là thời gian để sạc lại năng lượng cho cả 1 năm mới trước mắt".

Mạnh Quân cho rằng, nhiều người than vãn những điều đó chẳng qua là vì họ vẫn đang ở nhà, vẫn ở trong vòng tay bố mẹ nên không cảm nhận được sự thèm Tết của những người xa xứ.

Chị Hoàng Thanh Huyền (38 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Tết là dịp đoàn tụ gia đình, con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên. Chẳng lẽ chỉ vì những lý do hết sức nhạt nhẽo như vậy mà họ phải sợ Tết đến mức chẳng cần đoàn tụ gia đình?".

Bạn có sợ Tết, chán Tết không?

Chung quan điểm với chị Huyền, chị Nguyễn Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, Tết nhất bận rộn là chuyện đương nhiên, người lớn phải lo đủ thứ chuyện cho gia đình còn chẳng sợ Tết thì cớ gì chỉ vài lý do vụn vặt như vậy lại khiến những người trẻ, sức dài vai rộng lại phải sợ Tết.

"Tết đến công việc ngập đầu, áp lực từ công việc, rồi lại lo lắng cho gia đình nhưng tôi thấy có gì đáng sợ đâu. Chúng ta sẽ có cả tuần nghỉ ngơi, dành thời gian cho người thân, gia đình. Tết nhạt hay không là ở mình. Sợ dọn dẹp thì đừng bày vẽ ăn nhậu tùm lum nữa, các ông chồng thay vì ngồi nhậu hãy dành thời gian đưa vợ con đi chơi, thăm hỏi họ hàng. Tiện bữa nhà ai mà ở lại ăn thì nhớ cùng gia chủ dọn dẹp khi tàn cuộc. Mỗi người một chân một tay, vừa vui vẻ vừa đỡ phiền người ta", chị Hương nói.

"Bản thân mình không hiểu lý do vì sao các bạn cứ thi nhau chán Tết rồi nói Tết không như xưa? Thế nào là không như xưa? Tết bao lâu nay vẫn vậy thôi, chỉ có con người và cuộc sống hiện đại đang làm chúng ta dần xa cách. Nhưng xét cho cùng, Tết vẫn là Tết. Đừng mở miệng ra là chán với sợ nữa vì đối với nhiêu người, họ chỉ mong muốn được sum vầy bên gia đình. Phải chăng, những giá trị truyền thống đang càng ngày bị bóp méo, người trẻ dần chẳng quan tâm gì đến lễ nghi phong tục nữa?", Tuyết Lan (27 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ.

Chán Tết, sợ Tết, cảm thấy áp lực mỗi khi đến Tết là minh chứng cho sự lệch quan điểm về văn hóa truyền thống giữa các thế hệ. Thế hệ trước chỉ mong gìn giữ, bảo tồn, cho con cháu nhìn thấy vai trò, ý nghĩa của những ngày hiếm hoi được đoàn tụ trong năm.

Có những giá trị truyền thống nhất định phải được lưu truyền, gìn giữ, nhưng nếu bạn không muốn hiểu, không tìm cách hiểu chúng thì đó sẽ mãi mãi là vật cản, dù đó có là một tin nhắn gọi con về nhà ăn Tết của mẹ hay những buổi quây quần sum họp cùng với đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn