Trung Quốc đang tham vấn với giới doanh nhân và các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước để xem xét có nên áp dụng chiến lược của mình vào tranh chấp thương mại với Mỹ hay không, SCMP dẫn nguồn tin cố vấn chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.
Theo các cố vấn, Bắc Kinh đang cố gắng đánh giá tác động của cuộc đối đầu thương mại với Mỹ và chiến thuật chính trị ở Washington, cũng như tìm kiếm khả năng khởi động lại các cuộc đối thoại, mặc dù thời điểm “không phải là bây giờ”.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng những gì Bắc Kinh đang làm là quá ít ỏi để giải quyết vấn đề tại trung tâm xung đột và nước này có thể sẽ phải trả một cái giá cao hơn.
“Trung Quốc chưa bao giờ trải qua những thách thức hung hăng như vậy” và cần chiến lược bền vững về lâu dài, Teng Jianqun, chuyên gia nghiên cứu Mỹ tại Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết. “Chúng ta phải biết rút ra bài học. Không nên tham gia chiến tranh thương mại vì mục đích đối đầu. Đây không phải là hai đứa trẻ ném gạch vào nhau. Chúng ta cần lên kế hoạch các bước đi và tránh những gì có thể làm ảnh hưởng đến chiến lược quốc gia và tổng thể chính sách.” – ông nói.
Theo SCMP, ổn định được coi là trọng tâm khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan ra quyết định hàng đầu họp bàn ngày 31/7. Đặt an ninh lên trước phát triển ngắn hạn, cơ quan này cho biết Trung Quốc cần tập trung vào giảm nợ, loại bỏ những bất thường tài chính và tạo ra việc làm.
Trung Quốc ngày càng cần chỗ đứng vững chắc khi Bắc Kinh và Washington dính vào một cuộc tranh chấp có thể làm tổn thương thương mại toàn cầu và nền kinh tế mỗi bên. Cả hai nước đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa và thêm 16 tỷ USD hàng hóa nữa đang chờ bị đánh thuế.
Tổng thống Donald Trump còn có kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này sẽ đáp trả nếu Mỹ tiếp tục hành động, và các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc cần dựa trên quy tắc và uy tín.
Video: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra như thế nào?
Dù cố gắng tìm hiểu cách nghĩ của Mỹ và cải thiện mối quan hệ, Bắc Kinh được cho là hành động chậm chạp khi giải quyết những lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài như sở hữu trí tuệ, các thủ tục giấy phép kinh doanh và liên doanh yêu cầu chuyển giao công nghệ để đối lấy quyền tiếp cận thị trường.
“Trung Quốc đã thất bại trong những năm trước khi ngăn chặn căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và châu Âu. Họ tăng cường kiểm soát nhà nước đối với các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước mà không mở rộng thị trường, gần như không làm gì trước sự tức giận của phương Tây” – chuyên gia Jake Parker tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ Trung nói.
Chiến tranh thương mại có thể khiến Trung Quốc buộc phải cải cách để giải quyết các vấn đề như khủng hoảng dư thừa.
Bên cạnh đó, khả năng khởi động lại đàm phán thương mại được cho là không khả quan chừng nào hai bên chưa cảm thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Cộng đồng Mỹ cũng trở nên thận trọng hơn khi Trung Quốc tiếp cận. “Ví dụ Bắc Kinh đã gửi gần 60 lời mời đến các nhà nghiên cứu Mỹ cho một chương trình trao đổi vào tháng 6, nhưng chỉ nhận được 14 hồi âm.” – một chuyên gia khác cho biết.
Bình luận