Nếu không có Biến đổi Khí hậu, thế giới có lẽ đã không có thêm trung bình 26 ngày nắng nóng cực độ trong 12 tháng qua.
Đây là nội dung được đưa ra trong báo cáo của Trung tâm khí hậu Trăng lưỡi liềm Đỏ của Hội Chữ thập Đỏ, mạng lưới khoa học World Weather Attribution và tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central công bố ngày 28/5.
Theo báo cáo, nhiệt độ cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các ca tử vong liên quan đến khí hậu. Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu trong việc làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới.
Báo cáo kết luận chính Biến đổi Khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân khiến số ngày nắng nóng cực độ trong năm 2023 trung bình ở tất cả các nơi trên thế giới tăng thêm 26 ngày.
Trước đó, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Nắng nóng cực độ cũng đã ảnh hưởng đến nhiều vùng trên thế giới từ Mexico đến Pakistan.
Trong 12 tháng qua, 6,3 tỷ người - khoảng 80% dân số toàn cầu, đã hứng chịu ít nhất 31 ngày nắng nóng cực độ. Tổng cộng có tới 76 đợt nắng nóng cực độ xảy ra ở 90 quốc gia khác nhau trên mọi châu lục, ngoại trừ Nam Cực. 5 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở Mỹ Latinh.
Báo cáo cho biết nếu không chịu ảnh hưởng của Biến đổi Khí hậu, Suriname sẽ chỉ ghi nhận khoảng 24 ngày nắng nóng cực độ thay vì 182 ngày, con số này ở Ecuador là 10 ngày chứ không phải 180 ngày, trong khi ở Guyana 33 ngày thay vì 174 ngày, còn El Salvador là 15 ngày chứ không phải 163 ngày.
Theo Hội Chữ thập Đỏ, nắng nóng cực độ đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người trong 12 tháng qua, nhưng con số thực tế có thể lên tới hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người.
Bình luận