Bom H là loại bom có sức hủy diệt kinh hoàng gấp hàng nghìn lần loại bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản cách đây nhiều thập kỷ.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên hôm 22/9 đã ra một tuyên bố, trong đó nói rằng: “Đế quốc Mỹ và những kẻ hiếu chiến Hàn Quốc đã có những hành động quân sự đầy khiêu khích chống lại Triều Tiên, đẩy bán đảo Triều Tiên tới giai đoạn bùng nổ chiến tranh hạt nhân không thể kiểm soát”, tờ International Business Times đưa tin.
Tờ UPI dẫn lời một tuyên bố thêm nữa từ Triều Tiên trong đó lên án kế hoạch của Hàn Quốc và đưa ra một lời đe dọa đáng sợ. "Liệu họ có nghĩ họ có thể đối đầu với đất nước chúng tôi – một cường quốc hạt nhân của phương Đông, bằng những vũ khí vứt đi mà Mỹ đang quẳng cho họ? Mặc dù đây không phải là điều chúng tôi muốn nhưng nếu kẻ thù của chúng tôi thể hiện một dấu hiệu gì dù là nhỏ nhất, chúng tôi sẽ ngay lập tức phát đi một lệnh cho đơn vị pháo binh Hwasong đang nắm vũ khí hạt nhân trong tay... Điều đó có nghĩa là các đầu đạn hạt nhân của chúng tôi có thể biến Seoul thành biển lửa ngay trong chớp mắt”.
Trước đó, quân đội Triều Tiên cũng đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để phá hủy thủ đô Seoul của Hàn Quốc và căn cứ quân sự của Mỹ trên hòn đảo Guam ở Thái Bình Dương. Một đại diện đến từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên phát biểu trên hãng thông tấn chính thức KCNA rằng, các hoạt động của Mỹ và Hàn Quốc đã lôi bán đảo Triều Tiên đến viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Video sốc về đường phố Triều Tiên
Theo tuyên bố của quân đội Triều Tiên, các đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ phá hủy thủ đô Seoul cũng như căn cứ của Mỹ nếu máy bay Mỹ tiếp tục thực hiện những chuyến bay “dương oai diễu võ” trong khu vực.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang cao độ sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ tiến hành vụ thử hạt nhân mới hôm 9/9 – vụ nổ hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay.
Trong những động thái nhằm răn đe Triều Tiên, Mỹ đã đưa máy bay ném bom chiến lược B-1B từ căn cứ quân sự ở Guam đến căn cứ không quân Osan. Đây là lần đầu tiên một chiếc máy bay ném bom của Mỹ hạ cánh trên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ năm 1996. Quân đội Mỹ tuyên bố, hành động của họ là để thể hiện sự sẵn sàng của Mỹ trong việc “bảo vệ và duy trì an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực”.
Tuy nhiên, Triều Tiên chẳng mấy “ấn tượng” về màn “dương oai diễu võ” của siêu cường số 1 thế giới, nói rằng vũ khí của Mỹ “chỉ sủa mà không cắn”. Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức bằng cách tung ra hàng loạt lời đe dọa và cảnh báo nhằm vào Mỹ cũng như Hàn Quốc.
Triều Tiên trong thời gian gần đây liên tục tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân để chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, lời đe dọa dùng bom H là lần đầu tiên.
Hồi đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã khiến cộng đồng thế giới bàng hoàng, rúng động khi tuyên bố thử thành công bom H – một loại bom có sức mạnh còn kinh khủng hơn rất nhiều lần, hơn tới 1.000 lần và còn nhiều hơn nữa so với quả bom nguyên tử mà Mxy thả xuống Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.
3 vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, từ năm 2006 đến 2013, đều là bom A, tương đương với loại bom mà Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Những quả bom hạt nhân đáng sợ đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân vô tội ở đất nước Nhật Bản. Bình Nhưỡng hôm 6/1 đã gây chấn động thế giới bằng tuyên bố vừa tiến hành một vụ thử bom H. Ngoài những số liệu về một cơn địa chấn tương đương một trận động đất khoảng 5 độ richter, người ta chưa có cách nào để xác nhận về việc có đúng là Bình Nhưỡng vừa thử bom H hay không.
Bom nguyên tử dựa vào sự phân tách hạt nhân, giống như các nhà máy điện hạt nhân làm. Trong khi đó, bom H còn gọi là bom nhiệt hạch tạo ra sức nổ khủng khiếp từ quá trình tổng hợp hạt nhân (còn gọi là nhiệt hạch). Khi loại vũ khí này được kích hoạt, bức xạ nhiệt từ vụ nổ hạt nhân phân rã được dùng để nung nóng và nén mạnh phần đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, dẫn tới phản ứng nhiệt hạch, giải thoát năng lượng khổng lồ.
Công nghệ chế tạo bom H tinh vi hơn rất nhiều và khi được tạo ra nó cũng trở thành mối đe doạ lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử. Bom H có thể được làm nhỏ đủ mức để đưa lên các đầu đạn của tên lửa xuyên lục địa.
Tuy nhiên, bom H đòi hỏi rất nhiều công nghệ để có thể kiểm soát và đạt độ chính xác. Cả bom A và bom H đều sử dụng các nguyên liệu phóng xạ như uranium hoặc plutonium. Hiện có 5 nước có bom H là Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.
Bình luận