• Zalo

Sở 46 người có 44 lãnh đạo, ĐBQH: 'Không thể chấp nhận được’

Thời sựThứ Ba, 25/10/2016 07:47:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội bức xúc trước thực trạng việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức nhưng có tới 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên.

Xung quanh việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức nhưng có tới 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu tỉnh Quảng Trị bày tỏ: "Ai lại một sở có 46 cán bộ mà lại bổ nhiệm đến 44 lãnh đạo thì tôi nghĩ tất cả là lãnh đạo tất thì ai là nhân viên”.

Do-van-sinh-2

 Đại biểu Đỗ Văn Sinh nói về việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức nhưng có tới 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên

“Cái đó, chắc là có vấn đề, đồng thời, là sự cảnh báo với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu không thực hiện một cách nghiêm túc Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về công tác cán bộ", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

Bình luận về công tác tổ chức cán bộ, đại biểu Sinh cho rằng tất cả các quy trình bổ nhiệm cán bộ có đủ hết, từng bước, từng bước rất rõ ràng nhưng quan trọng là vai trò của người đứng đầu. 

“Anh biết là cần bao nhiêu cán bộ quản lý và thời điểm này cần bao nhiêu người, thời điểm khác cần bao nhiêu người, đồng thời, anh là thủ trưởng thì anh thừa biết là ai là người đủ năng lực.

Vai trò người đứng đầu rất quan trọng trong việc sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ”, ông Sinh nhấn mạnh.

Vì vậy, dư luận đặt ra câu hỏi  vấn đề 44/46 cán bộ ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đều là lãnh đạo thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai.

Vị đại biểu Quảng Trị cho rằng khi thành lập một tổ chức nào đó thì bao giờ cũng có chức năng, nhiệm vụ, được giao biên chế, cơ cấu tổ chức phải được một cấp thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị cũng phải căn cứ vào đó để thực hiện.

“Tuy nhiên, với vấn đề cụ thể thì tại thời điểm này anh có thể có đội ngũ cán bộ cho phù hợp nhưng tại thời điểm khác thì anh phải cân nhắc chứ không thể một Sở có 44/46 người là lãnh đạo còn có 2 nhân viên. Việc này không thể chấp nhận được”, đại biểu Đỗ Văn Sinh bày tỏ.

Video: Cả họ làm quan ở Thừa Thiên -Huế

Trong Luật cũng đã có quy định là người đứng đầu không được bổ nhiệm người thân vào các vị trí kế toán trưởng hay là các vị trí về tổ chức nhân sự.

“Nhưng nếu là người thân như cháu con ông anh, con bà bác, dì... thì rất khó khăn”, đại biểu Sinh nói.

Vị đại biểu Quảng Trị cho rằng cái kẽ hở cần chấn chỉnh nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề xử lý, quản lý con người và cái đó là cực kỳ quan trọng.

 Ngoài ra, việc đánh giá cũng cần chuẩn hóa, đánh giá trên công việc còn tất cả chỉ chung chung thì không biết ai làm tốt, ai làm không tốt.

Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra câu hỏi là việc nêu trách nhiệm thuộc người đứng đầu thường xuyên nhưng từ trước đến nay chưa một người đứng đầu nào bị xử lý về việc này và cũng chưa có người đứng đầu nào xin lỗi việc bổ nhiệm tràn lan.

Đại biểu Sinh cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này và sang năm 2017, Quốc hội sẽ có giám sát tối cao về hệ thống tổ chức bộ máy, công chức viên chức.

“Trên tinh thần đó, Quốc hội sẽ cùng Chính phủ bàn giải pháp tốt nhất để xử lý vấn đề này”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh. 

Ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương về sự việc báo chí phản ánh việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương về sự việc báo nêu. Nếu đúng như báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/11/2016.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn