Trong giai đoạn đầu, hai mạng xã hội được lựa chọn để thử nghiệm giúp Smart Saigon hoạt động là Twitter và Facebook. Tin báo về ngập lụt và giao thông do người dân gửi về từ các trang mạng này sẽ được máy tính tập hợp và cập nhật tức thời trên bản đồ trực tuyến.
Các bản tin cảnh báo sau đó được chuyển tiếp đến các cơ quan chức năng để triển khai biện pháp ứng phó, xử lý hoặc chuyển đến người dân để điều chuyển hướng đi sao cho an toàn nhất trong điều kiện thời tiết xấu.
Theo đó, khi người dân dùng ứng dụng nhắn tin của mạng xã hội Facebook (Facebook Messenger) để gửi tin báo đến địa chỉ @smartsaigon, hệ thống trả lời tự động (chat bot) sẽ đưa ra các lựa chọn “Thông báo ngập lụt” và “Thông báo kẹt xe”.
Ở mỗi lựa chọn, chat bot hướng dẫn tận tình, dễ hiểu nhất để người dùng tương tác. Hệ thống cũng yêu cầu người báo tin phải chia sẻ vị trí, đề nghị gửi kèm hình ảnh hoặc video.
Video: Kết nối chuyển giao công nghệ
Theo anh Nguyễn Minh Tâm, điều phối dự án, Smart Saigon được thực hiện từ cuối năm 2016. Sau khi hoàn tất giai đoạn 1 - nhận tin báo ngập qua mạng xã hội Twitter, từ đầu tháng 7-2017, các thành viên của dự án Smart Saigon đã công bố thành quả của giai đoạn 2 - nhận tin báo qua tin nhắn Facebook (Facebook Messenger).
Qua ứng dụng nhắn tin phổ biến này, trong hơn 3 tháng qua, hệ thống đã tiếp nhận trên 3.200 tin báo từ người dân. Riêng trong tháng 7 - đỉnh điểm của mùa mưa ở TPHCM, các ngày mưa lớn đều có từ 15-20 tin báo ngập gửi về hệ thống.
Các công cụ tính toán trên máy tính sẽ cập nhật tức thời những cảnh báo của người dân và hiển thị trên các trang bản đồ trực tuyến như Google maps, Vietbando (maps.vietbando.com) tại website http://smartsaigon.info.
Đối với những người có ý định tham gia giao thông trong điều kiện mưa to hoặc thời điểm có khả năng gây ngập (như triều cường), việc kiểm tra tình hình giao thông tại website http://smartsaigon.info trước khi ra khỏi nhà có thể giúp họ chủ động tìm đường đi phù hợp nhất.
Với khả năng tích hợp vào các hệ bản đồ phổ biến hiện nay, Smart Saigon cũng giúp những người sử dụng các thiết bị, chương trình định vị trên ô tô biết khu vực đã được cảnh báo để giảm thiểu các gián đoạn do ngập đường hoặc ùn tắc giao thông.
Được biết, dự án Smart Saigon của Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Tính toán TPHCM do TS Đoàn Xuân Huy Minh làm chủ nhiệm. Dự án đã đoạt giải Xuất sắc tại cuộc thi Ý tưởng lớn cho hành động khí hậu 2017 (Big Ideas Competition for Climate Action), trị giá 2.500USD - cuộc thi quy mô khu vực Đông Nam Á được phối hợp tổ chức bởi các cơ quan của Liên Hợp Quốc (gồm Tổ chức nghiên cứu Pulse Lab Jakarta, Tổ chức Tình nguyện viên, Tổ chức Phát triển châu Á - Thái Bình Dương) và các cơ quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc (gồm Cơ quan Xã hội Thông tin Quốc gia Hàn Quốc, Hiệp hội Khuyến khích công nghệ thông tin - truyền thông Hàn Quốc, Bộ KH&CN thông tin Hàn Quốc (MSIT), với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia.
Bình luận