• Zalo

Sinh viên run sợ khóa cửa, con nghiện rên rỉ hành lang

Giáo dụcThứ Ba, 18/12/2012 06:38:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hàng ngày mọi sinh hoạt của những sinh viên ở khu trọ vẫn diễn ra rất bình thường, nhưng tối đến nơi đây lại là địa bàn của những con nghiện.

(VTC News) - Ít ai biết rằng, hàng ngày mọi sinh hoạt của những sinh viên ở khu trọ vẫn diễn ra rất bình thường, nhưng tối đến nơi đây lại là địa bàn của những con nghiện tụ tập tiêm chích…

Sinh viên và những con nghiện
Theo chân Hoài Linh (sinh viên ĐH Thủy Lợi), qua khu trọ của bạn nằm trong ngõ 95 chùa Bộc, Hà Nội, tôi ngạc nhiên khi cấu trúc của nhà trọ này rất cũ, tường chưa được sơn, ngay cạnh cầu thang có một cái hầm thấp kín, tối tăm… hai bên đi lại có một bảng đen để làm bảng thông báo.
 Cảnh báo "cấm tụ tập tiêm chích ở đây" được dán khắp mọi nơi (Ảnh: Thùy Trần)

 
Càng ngạc nhiên hơn  khi hai bên tường, bảng và khắp mọi nơi dán các tờ giấy cảnh báo “cấm tụ tập tiêm chích ở đây”. Linh cho biết, ở đây không chỉ có sinh viên mà còn có những công nhân, thợ xây… và cả những con nghiện.
“Thường thường 9h tối chẳng ai dám qua lại nữa. Sinh viên có đi đâu chơi cứ đúng 9h là phải về phòng ngay, nếu có việc về muộn ngủ luôn ở ngoài… Vì cứ tầm giờ này có một nhóm người đến chân cầu thang tụ tập hút và tiêm chích ma túy. Không ai biết đấy là ai, đến từ đâu? Có tò mò cũng chịu thôi,không ai dám tìm hiểu…” - Linh kể.
Những lời Linh nói khiến tôi cảm thấy khó tin, vì nơi đây tập trung hầu hết các bạn sinh viên, nó khá gần với trường Đại học Thủy lợi, Đại học Công đoàn… nhưng lại là địa bàn hoạt động thường xuyên, công khai của những kẻ tiêm chích. 
Góc khuất dưới cầu thang là địa điểm tiêm chích thường xuyên của những con nghiện
Bác Huy (chủ nhà trọ) cho biết: “Tệ nạn tiêm chích xuất hiện ở đây cũng rất lâu rồi, nên người ta không còn sợ nó. Cứ nhắm mắt cho qua chứ biết làm thế nào. Nhiều lần dán giấy cảnh báo, nhưng tối đến họ vẫn tụ tập ở đây, tiêm chích rồi rên rỉ suốt đêm…”
 
Nhiều lần dán giấy cảnh báo, nhưng tối đến họ vẫn tụ tập ở đây, tiêm chích rồi rên rỉ suốt đêm…
Bác Huy, cư dân sống tại khu trọ
 
Bác Huy còn cho biết, ở đây có hai công trường đang xây dựng, rất nhiều thợ xây ở tại đây. Chỉ cần nhìn nét mặt là biết họ có nghiện hay không, mắt trắng dã, mặt xanh xao, mắt thâm quầng… hàng ngày vẫn qua lại, và trao đổi “hàng” với nhau, tối đến lại tụ tập.
Cũng là một người dân sống nhiều năm ở đây, cô Hoàng Hồng (ở khu tập thể Khương Thượng, Hà Nội) chia sẻ: “Ở đây khá nhiều mảnh đất bỏ hoang và kín nên rất thuận tiện cho những con nghiện tụ tập. Hàng ngày có thể tiếp xúc với một con người bình thường, nhưng ai biết rằng tối đến họ lại là những con người khác…

Chỉ thương cho các bạn sinh viên thuê trọ ở khu này, có bạn không
tránh khỏi những cám dỗ, những lời nói ngon ngọt…”
Khi sinh viên trở thành con nghiện
Người xưa nói câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” quả chẳng sai. Sinh viên vốn là những người tò mò, thích khám phá và mạo hiểm... nên không ít bạn đã vô tình dính vào tệ nạn mà không biết.
 Sinh viên rất dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội (Ảnh minh họa)
Bạn Mai Anh (sinh viên ĐH Thủy Lợi) cho biết: “Ngày nào mình đi học ngang qua đây cũng thấy một tốp thanh niên tụ tập. Họ thì thầm to nhỏ rồi đưa cho nhau vật gì đó dưới ánh mắt dò xét. Thời gian đầu còn cảm thấy sợ, nhưng lâu rồi cũng quen. Với lại ở đây cũng có nhiều gia đình chung sống, chắc người ta cũng không dám làm gì mình, nên cứ cố gắng đi cho nhanh thôi”.
Bạn Mai Anh còn cho biết thêm: “Mình đoán nhóm thanh niên đó hầu hết là sinh viên, vì nhìn mặt còn rất trẻ, chắc tầm 20, 21 tuổi. Có khuôn mặt cũng thấy quen quen, chắc học cũng trường, chạm mặt nhau mấy lần rồi…”
Một số người dân ở đây cũng chia sẻ, nhiều lần thấy nhóm thanh niên còn mặc đồng phục trường ngồi tụ tập thành nhóm để tiêm chích, “phê thuốc”, rên rỉ một hồi rồi tan hội, cứ như bây giờ chuyện đó không còn đáng lên án nữa.
Ống kim tiêm vứt ngổn ngang trên đường qua lại (Ảnh: Thùy Trần)
Phải khó khăn lắm, tôi mới tiếp xúc được với bạn Tuấn Anh (nhân vật đã được thay đổi tên), bạn tâm sự: “Chỉ vì một chút tò mò không đáng có, mình đã làm khổ mẹ già ở quê, và làm khổ chính bản thân mình. Giờ trong người lúc nào cũng cảm thấy chán nản, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng khó lắm…”
Bạn Tuấn Anh, đang là sinh viên trường Đại học Thủy Lợi, bạn bị nghiện hút cách đây một hai tháng… Sớm nhận ra sự sai lầm này, Tuấn Anh đã cố gắng nói cho mẹ bạn biết và giờ bạn đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số I ( Xã Yên Bài - Ba Vì - Hà Nội). 
Bạn Tuấn Anh chỉ là một trong số bạn sinh viên bị nghiện ở đây có đủ bản lĩnh để tránh xa tệ nạn này. Nhưng còn rất nhiều bạn sinh viên khác, cũng vì một chút tò mò mà ân hận cả đời…

Thùy Trần
Bình luận
vtcnews.vn