Gần đây, nhiều sinh viên tại ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM lo lắng vì bị kiến ba khoang tấn công, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của sinh viên.
Theo phản ánh của sinh viên Nguyễn Văn Thanh Đồng (Trường Đại học KH-XH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM), em và các bạn sống ở ký túc xá phát hiện kiến ba khoang bám trên quần áo, khăn lau mặt, chăn gối…
Đồng bị kiến ba khoang cắn 2 lần, ban đầu không có dấu hiệu gì, nhưng sau đó em mới thấy ngứa, rát và sưng đỏ, nổi bọc nước ở da. Lần gần đây nhất do bị trên lưng nên Đồng không kịp xử lý, mất hơn một tuần vết thương mới hết.
Theo Thanh Đồng, vết cắn của kiến ba khoang ban đầu rất nhỏ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra xung quanh. Các vết thương do kiến ba khoang gây ra cũng gây bất tiện cho nhiều sinh viên, vì tâm lý cảm thấy bất an lúc ngủ và luôn phải cẩn thận để tránh việc vết thương có thể nghiêm trọng hơn.
Nguyễn Thành Đạt (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, từ khi xuất hiện kiến ba khoang trong ký túc xá, các sinh viên phải tự phòng tránh bằng cách đóng cửa phòng vào buổi tối, hạn chế mở đèn, kiểm tra kỹ chăn, gối trước khi ngủ.
“Chúng tôi mong ban quản lý ký túc xá thường xuyên phun thuốc để hạn chế kiến ba khoang tấn công sinh viên”, Thành Đạt nói.
Theo TS Đoàn Bình Minh, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, khi một bộ phận trên cơ thể tiếp xúc với loài động vật này, độc tố sẽ gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da.
Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, vết đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm. Khoảng 1 đến 3 ngày sau vết thương thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này cảm giác đau, rát càng tăng và có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.
Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt, người đó có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt thì nạn nhân có thể sưng húp cả hai mắt, 2, 3 ngày mới đỡ và ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại.
Nếu người bị kiến ba khoang đốt không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày, không thành phỏng.
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Đây là loài côn trùng có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm). Thân mình thường có màu vàng đỏ và đen nhìn giống con kiến.
Bình luận