• Zalo

Sinh viên cảnh sát nhận diện tội phạm lừa đảo qua mạng

Giáo dụcThứ Sáu, 16/01/2015 09:58:00 +07:00 Google News

Ngày 15/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014.

Ngày 15/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014.

Theo đó, giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014 có 11 giải nhất, 32 giải nhì, gần 200 giải ba, khuyến khích dành cho sinh viên và 55 giải nhất, 11 giải nhì cùng hơn 60 giải ba, giải khuyến khích dành cho giảng viên trẻ các trường ĐH.

Trong số các đề tài đoạt giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, nghiên cứu của nhóm sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân về đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội đã gây sự chú ý đặc biệt.
Sinh viên Cảnh sát
Nhóm sinh viên nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn của Học viện Cảnh sát nhân dân đoạt giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm - học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an, cho hay giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho hay đây là nhánh đề tài nhỏ, nằm trong một hướng nghiên cứu tập trung về tội phạm công nghệ cao đang được thực hiện tại trung tâm nghiên cứu về vấn đề tội phạm học duy nhất trên cả nước.

Qua khảo sát, trong số các vụ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao (gồm cả việc tấn công các mạng máy tính) có đến 2/3 là tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản. “Tiếc cho nhiều người trẻ giỏi công nghệ thông tin”.

Trong khi đó, Trần Phương Thảo - sinh viên năm cuối học viện Cảnh sát nhân dân, trưởng nhóm nghiên cứu - vẫn nhớ như in những lần tiếp xúc đặc biệt trong trại giam với những phạm nhân đã chiếm đoạt tài sản nhờ vào mạng Internet.

“Trong số những phạm nhân chúng tôi đã  gặp, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, có bạn đang là sinh viên. Khác với những người phạm tội giết người bằng vũ khí “nóng” thường có tính khí hung hăng, tội phạm sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản đều thuộc diện trí thức, có trình độ, hiểu biết về pháp luật, am hiểu sâu sắc về chuyên ngành công nghệ thông tin".

"Thật sự khi gặp gỡ họ, chứng kiến sự thuần thục của họ trong sử dụng các phương tiện số hiện đại, chúng tôi thấy rất tiếc khi đáng lẽ sự am hiểu đó, trí tuệ ấy phải được vận dụng để giúp ích cho đời, chứ không phải là thứ công cụ họ sử dụng để lừa đảo và phải vào tù” - Thảo chia sẻ.

Khi gặp gỡ trực tiếp các tội phạm, nghiên cứu hồ sơ, những sinh viên học viện Cảnh sát nhân dân đã tập hợp được muôn vàn thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet.   “Có trường hợp gửi thông tin mạo danh ngân hàng A đang thực hiện chiến dịch nâng cấp dịch vụ, đề nghị khách hàng nhập lại thông tin và sau khi khách hàng nhập dữ liệu thì thông tin này nhanh chóng bị đánh cắp để làm thẻ giả chiếm đoạt tài sản.

Cũng có trường hợp đánh cắp tài khoản email hoặc lập email giả mạo gửi cho những người trong danh sách bạn bè của email đã đánh cắp nêu những tình huống “khẩn” như đang ở nước ngoài, bị mất cắp, cần được bạn bè chuyển khoản ngay để mua vé may bay về nước… Số tiền lừa đảo dạng này thường không lớn, người sử dụng Internet trong tâm thế hoảng hốt vôi vã chuyển khoản, sau đó mới giật mình kiểm tra thì tiền đã biến mất” - Thảo phân tích.

“Có đến 70% tội phạm dạng này là người trẻ, chủ yếu 18-30 tuổi. Lứa tuổi này có đặc tính tò mò rất cao, khi am hiểu về công nghệ thông tin họ lại có ham muốn được chinh phục thử thách, càng khó khăn càng muốn vượt qua, nhiều người đã bị cám dỗ,rồi tấn công mạng mà không lường hết được hậu quả cuối cùng. Do đó điều quan trọng là phải thực hiện chính sách giáo dục ý thức chính trị, ý thức công dân cho những người trẻ giỏi về công nghệ thông tin để họ không cố ý hay thậm chí vô tình trở thành tội phạm công nghệ cao” - PGS Đức nhấn mạnh.

Theo Ngọc Hà/Tuổi trẻ


Bình luận
vtcnews.vn