• Zalo

Sinh viên cầm cố chứng minh thư, bằng tốt nghiệp

Giáo dụcThứ Năm, 13/06/2013 08:38:00 +07:00Google News

Soi nhiều cửa hiệu cầm đồ ở Hà Nội, chúng tôi tận thấy một cơn lốc cắm bằng đại học, thẻ sinh viên và nhiều loại giấy tờ bằng cấp khác.

Soi nhiều cửa hiệu cầm đồ ở Hà Nội, chúng tôi tận thấy một cơn lốc cắm bằng đại học, thẻ sinh viên và nhiều loại giấy tờ bằng cấp khác.



Thời buổi kinh tế khó khăn, người ta phải đành lòng mang đi cắm những món đồ không ai ngờ tới. Đằng sau những món đồ đó là cả những thân phận và cảnh ngộ...
 Một tiệm cầm đồ nhận bằng đại học, thẻ sinh viên ở gần ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội.
Một tiệm cầm đồ nhận bằng đại học, thẻ sinh viên ở gần ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội. 
Khi thẻ sinh viên có giá hơn bằng đại học

Thời gian gần đây, ngoài khách hàng “truyền thống”, các hiệu cầm đồ có những “khách lạ”: công chức, cử nhân mới ra trường, cán bộ về hưu...

Nắng như đổ lửa, nhưng hiệu cầm đồ gần Đại học Mỏ - Địa chất và Học viện Tài chính ở đường Cổ Nhuế vẫn kẻ ra người vào. Tôi bước lại cửa hiệu trưng tấm bảng: “Cầm đồ: thẻ sinh viên, chứng minh thư; bằng tốt nghiệp” với vẻ mặt thiểu não của kẻ túng tiền.

Người đàn ông to béo, cổ đeo dây chuyền răng hổ, hất hàm hỏi: “Nhìn chú, anh biết rồi, có thẻ sinh viên hay bằng đại học?”. Tôi bảo: “Bằng đại học”, “Trường nào?”, “Học viện Tài chính - Kế toán”, “Chú quê ở đâu?”, “Nghệ An”.


 

Anh tưởng tấm bằng của anh bằng vàng hay sao mà đòi rút thêm tiền. Nếu đúng hẹn anh không đến rút bằng trả cả gốc cả lãi tôi ném bằng đại học vào sọt rác ngay, tôi không dọa đâu, đã vứt nhiều bằng cử nhân vào sọt rác rồi nhé

Một thanh niên ở hiệu cầm đồ nói
 
Nghe nói vậy, người đàn ông lắc đầu: “Quê ở xa thế, anh không cầm được, anh chỉ nhận bằng quê ở Thanh Hóa đổ ra”. Tôi nài nỉ: “Anh cố giúp em, đang túng quá”; “Thằng nào đến đây chả bảo đang túng, nhưng anh nói thật, nhiều chú đến cắm bằng đại học rồi bỏ luôn, không quay lại lấy, quê các chú tận miền Trung xa xôi làm sao bọn anh vào mà đòi được, thông cảm nhé”.


Ông chủ cầm đồ đưa ra một nắm bằng đại học. Bằng Đại học Mỏ - Địa chất; bằng Học viện Tài chính - Kế toán; bằng của Đại học Tài nguyên - Môi trường...

Những cử nhân vừa ra trường, bằng vẫn còn thơm mùi giấy mực, có lẽ một số chưa kịp đưa về để báo công với phụ huynh đã phải vào hiệu cầm đồ.


“Dạo này, cầm bằng tốt nghiệp nhiều lắm, đa số đều bảo cần tiền để xin việc, chạy việc. Thất nghiệp nhiều như quân Nguyên nên có nhiều chú cầm bằng không quay lại lấy, bọn anh cũng chết dở.

Mà chắc cũng túng quẫn quá các cậu cử mới đi không hẹn ngày trở lại, bốn năm ăn học tốn bao tiền của công sức mới có tấm bằng chứ phải ít đâu”, ông chủ cầm đồ ném tập bằng cử nhân xuống bàn, nói tiếp: “Cắm thẻ sinh viên còn có giá hơn cắm bằng đại học. Bằng đại học địa chỉ ngoại tỉnh anh ngán lắm, cùng lắm cũng chỉ được 3-4 triệu đồng thôi, nhưng thẻ sinh viên những trường quanh đây anh cho tối đa 5 triệu đồng”.


Theo lời ông chủ, thẻ sinh viên có giá hơn bằng đại học vì tấm thẻ này rất quan trọng. Không có nó, sinh viên không thể đi thi hoặc xin bất cứ giấy tờ nào của trường. Nếu quá hạn mà sinh viên chưa đến lấy, cửa hàng cầm đồ sẽ theo tên trên lớp mà “tróc nã” hoặc báo cho ban giám hiệu.

Sinh viên chẳng thể vì trót vay mấy triệu đồng mà bỏ cả sự nghiệp học hành. Nói chung là cửa hiệu cầm đồ luôn “nắm đằng chuôi”. Sinh viên có thể “bùng” nếu đặt máy tính, điện thoại, nhưng nếu đã đặt thẻ chỉ còn nước “xoay” cho đủ tiền.
Tôi đến một cửa hiệu cầm đồ khác, mở giọng năn nỉ trình bày muốn cắm bằng đại học. Thanh niên trực ở cửa hiệu lại hỏi: “Bằng quê ở đâu?”. Khi biết bằng khách quê tận Nghệ An, thanh niên này lắc đầu: “Nhận quá nhiều bằng đại học rồi, bán không ai mua, con nợ ở tỉnh xa không biết đường nào mà lần”.

Tuy nhiên, khi tôi nài nỉ, thanh niên bấm điện thoại gọi cho ông chủ, rồi hỏi tôi: “Bằng anh tốt nghiệp loại gì, năm nào, có bảng điểm không?”.

Nếu tốt nghiệp loại khá giỏi, bảng điểm đẹp, mức độ tin cậy cao hơn vì chứng tỏ chủ nhân của nó không “bựa”, sẽ chẳng dại gì ném những năm tháng miệt mài đèn sách chỉ vì dăm triệu đồng.

Lãi suất của cắm bằng đại học và thẻ sinh viên và nhiều loại giấy tờ khác dao động từ 8 -10 nghìn đồng/ngày. Mức lãi suất cắt cổ nhưng vì túng quẫn khổ chủ của những thẻ lẫn bằng đều cắn răng chấp nhận thậm chí phải hạ mình nài nỉ để được cắm.

Một cậu cử bước vào cửa hàng cầm đồ rút ra cái giấy hẹn, xin được gia hạn và vay thêm ít tiền. “Anh tưởng tấm bằng của anh bằng vàng hay sao mà đòi rút thêm tiền. Nếu đúng hẹn anh không đến rút bằng trả cả gốc cả lãi tôi ném bằng đại học vào sọt rác ngay, tôi không dọa đâu, đã vứt nhiều bằng cử nhân vào sọt rác rồi nhé”. Nguyễn Quang Dũng - tên của cậu cử ghi trong bằng tốt nghiệp Đại học Mỏ-Địa chất loại khá - cúi đầu nghe kẻ chỉ bằng tuổi em mắng mình xơi xơi.

Dũng cho biết, ra trường cậu nộp hồ sơ khắp nơi xin việc nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hoặc phá sản hàng loạt, nên mãi không xin được việc. Ra trường rồi chẳng lẽ lại tiếp tục ngửa tay xin tiền bố mẹ, nhưng vẫn phải sống để tiếp tục “hành lộ nan” xin việc.

Túng quẫn, Dũng đành cắm bằng đại học lấy 4 triệu, nay 4 triệu đã tiêu cái vèo, mà việc làm vẫn mờ mịt. Cậu cử này xin nhìn lại cái bằng cho “đỡ nhớ” và nhờ tôi dùng điện thoại chụp lại, gửi vào mail cho Dũng, Dũng sẽ in ra đưa về quê để bố mẹ mừng rồi còn khoe với họ hàng làng xã.

“Cơn lốc” cắm bằng đại học và những giấy tờ khác đã nổi lên trong thời buổi kinh tế khó khăn, thất nghiệp hàng loạt này. Thậm chí, hình thành cả một “thị trường ngầm” về cầm cố đủ loại giấy tờ với luật chơi và giá cả được mặc định. Trên mạng, những lời rao như thế này không hiếm: “Cầm đồ uy tín, lãi suất thấp; Cầm thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân, bằng cấp các loại”.

Hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn cũng mang đi cầm đồ

Nhiều bằng đại học bị khổ chủ mang đi cầm cố.
Nhiều bằng đại học bị khổ chủ mang đi cầm cố.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa).
 
Theo địa chỉ ghi trong quảng cáo, tôi đến cửa hàng cầm đồ trên đường Kim Mã. Ở đây, cơ man những thẻ sinh viên, chứng minh thư, bằng tốt nghiệp, sổ đỏ được chủ xếp thành xấp. Ông chủ phá lên cười: “Giấy tờ nào có giá trị đối với người cắm thì nhận tất”.

Theo tinh thần “giấy tờ nào có giá trị với người cắm thì nhận” , tôi nhìn thấy cả bộ giấy tờ gồm một sổ hộ khẩu Hà Nội, giấy đăng ký kết hôn, hai giấy khai sinh.

Những loại giấy cầm cố đã tự nói lên hoàn cảnh khốn khó của chủ nhân. Bộ giấy tờ gồm hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của đôi vợ chồng công nhân một nhà máy may mặc bên Long Biên. Thời kinh tế khó khăn, chồng bị thất nghiệp về làm xe ôm, vợ một mình với đồng lương còm không cõng nổi 4 miệng ăn.

Lại thêm bố ở quê bị xuất huyết não phải đưa lên Hà Nội cấp cứu, nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy nhưng không thể cắm được vì chồng phải đi xe ôm, vợ túng quá cầm bộ giấy tờ này ra hiệu cầm đồ gần nhà. Vay được 5 triệu đồng, lãi suất 10 nghìn/ngày, hẹn 10 ngày phải rút.

Ông chủ bảo: “Hoàn cảnh họ khó thật, nhưng kiểu gì đôi vợ chồng này cũng phải rút giấy tờ trả cả gốc lẫn lãi, vì nếu bỏ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh thì thành người “lậu” ở Thủ đô à?

Chủ cầm đồ nhận những loại này thực ra là một hình thức cho vay nặng lãi. Biết vậy, nhưng người ta vẫn cầm lòng mà cầm đồ vì đó là cách vay tiền nhanh và tiện lợi nhất, cho dù lãi suất cũng cắt cổ nhất.
 Nửa triệu thanh niên thất nghiệp

Bên cạnh một số người cầm đồ vì cờ bạc, ăn chơi dẫn đến túng quẫn thì cũng có rất nhiều hoàn cảnh phải cầm đồ vì thất nghiệp. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố, năm 2012 Việt Nam có khoảng 1 triệu người thất nghiệp.
Trong đó, con số thất nghiệp ở độ tuổi 15 - 24 trên 500.000 người. Đó là chưa kể, 53% số thanh niên có việc làm (tương đương với 4 triệu người) đang làm những công việc dễ bị tổn thương.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện tượng cử nhân phải cắm bằng đại học thật đáng buồn, thậm chí đau lòng. Hầu hết họ đều ở tỉnh lẻ, lập nghiệp chẳng có gì ngoài tấm bằng đại học. Khi thanh niên thiếu tương lai, sẽ gây những hệ quả về xã hội.



Theo Phùng Nguyên- Thùy Dung/Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn