Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Edinburgh, Anh kết luận các sinh vật nhỏ có thể phát triển mạnh trong lớp bên ngoài của sao lùn nâu, thiên thể lớn sót lại sau khi một ngôi sao bốc cháy, Sun hôm 6/12 đưa tin.
Sinh vật phát triển ở sao lùn nâu có thể nhỏ hơn vi khuẩn trên Trái Đất và trôi nổi trong các đám mây khí. Chúng có thể bị đông lạnh khi chạm tới rìa bên ngoài của sao lùn nâu rồi tan ra và hoạt động trở lại khi di chuyển về trung tâm ngôi sao. Nhóm nghiên cứu cho rằng phương pháp kiểm soát chuyển động của chúng có thể đã tiến hóa.
Các nhà thiên văn học trước đó tìm thấy nhiều hành tinh giống Trái Đất, hình thành trong vùng có thể sống được của các ngôi sao, tức là chúng có thể mang sự sống. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho rằng sự sống có thể tồn tại mà không cần một hành tinh cố định.
"Bạn không nhất định phải tìm kiếm sinh vật trên bề mặt hành tinh giống Trái Đất", Yack Yates, thành viên nhóm nghiên cứu, trả lời Science.
Giả thuyết này đồng nghĩa với việc có thêm nhiều nơi khác chứa sự sống trong vũ trụ. Do đó, nếu nghiên cứu được công nhận, nó có thể làm thay đổi công cuộc tìm kiếm sinh vật ngoài Trái Đất của các nhà khoa học.
Bình luận