• Zalo

Sinh vật ngoài hành tinh đang ẩn nấp dưới lòng đất sao Hỏa?

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 24/12/2018 09:16:00 +07:00Google News

Một số nhà khoa học tin rằng sự sống ngoài hành tinh ở dạng vi sinh vật có thể đang phát triển mạnh bên trong môi trường dưới lòng đất trên sao Hỏa.

Theo một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Liên minh Địa vật lý Mỹ (AGU), các sứ mệnh trên sao Hỏa tới đây cần tập trung nhiều hơn vào việc khám phá khu vực sâu trong lòng đất của Hành tinh Đỏ, để phát hiện dấu hiệu sự sống của các sinh vật ngoài Trái Đất. 

InSight-ArtstsImpression

Các nhà khoa học tin sự sống tồn tại bên dưới bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: NASA) 

Đến nay các sứ mệnh trên sao Hỏa vẫn tập trung vào việc khám phá sự sống ở những nơi có dấu hiện của nước cổ đại. Tuy nhiên, theo giáo sư Joseph Michalski tới từ Khoa Khoa học trái đất, Đại học Hồng Kông, rất có thể các vi sinh vật đang âm thầm sống dưới bề mặt sao Hỏa, vì mọi nỗ lực tìm kiếm sự sống trên bề mặt hành tinh Đỏ hiện đều không cho kết quả khả quan. 

Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra sự tồn tại một hệ sinh quyển khổng lồ cách bề mặt Trái Đất 2,5 km, tập trung hàng tỷ vi sinh vật sống. Nhóm nghiên cứu của ông Michalski tin rằng một môi trường tương tự cũng có thể đang tồn tại dưới bề mặt sao Hỏa. 

Theo vị giáo sư tới từ Đại học Hồng Kông, bề mặt sao Hỏa rất giống với Trái Đất cách đây hàng tỷ năm khi các hành tinh trong hệ Mặt trời còn non trẻ. Tuy nhiên, do bị mất đi từ trường, sao Hỏa bị các bức xạ rất mạnh bắn phá khiến cho sự sống trên bề mặt của nó trở nên hết sức khó khăn. 

Ông Michalski nhắc lại giả thiết trước đây của các nhà khoa học cho rằng sự sống trên sao Hỏa có thể bắt đầu hình thành gần như cùng lúc với sự sống trên Trái Đất, khoảng 3,8 đến 3,9 tỷ năm trước. Nhưng ông tin rằng vào thời điểm đó, thay vì tồn tại trên bề mặt Trái Đất, các vi sinh vật ở sao Hỏa đã phát triển sự sống bên dưới lòng đất của hành tinh này. 

"Sự sống ở sao Hỏa có thể xuất hiện trong môi trường thủy nhiệt và tồn tại ở tầng dưới bề mặt trong một thời gian dài", ông Michalski nói thêm. 

Theo vị giáo sư này, tầng dưới lớp bề mặt sao Hỏa thậm chí còn dễ sống hơn lòng đất của Trái Đất vì lớp đá tại đây xốp hơn, giúp tạo ra các túi khí để trao đổi chất dinh dưỡng và khí. Ngoài ra, phần lõi lạnh hơn Trái Đất của hành tình Đỏ cũng cung cấp một nhiệt độ thích hợp hơn để các vi sinh vật phát triển. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn