Stas Malavin, đồng tác giả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Current Biology cho rằng, phát hiện trên đặt ra câu hỏi thú vị về cơ chế mà động vật đa bào sử dụng để tồn tại trong khoảng thời gian dài như vậy.
"Báo cáo của chúng tôi là bằng chứng cho thấy sinh vật đa bào có thể duy trì trạng thái ngủ đông hàng chục nghìn năm", ông Malavin tới từ Viện các vấn đề sinh lý và sinh học trong Khoa học Đất ở Pushchino, Nga cho hay.
Nhóm nghiên cứu của Malavin sử dụng một giàn khoan để thu thập các mẫu trong lõi băng ở sông Alazeya (Nga). Bằng phương pháp xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ, họ xác định tuổi của mẫu vật từ 23.960 đến 24.485 năm tuổi.
Luân trùng là sinh vật đa bào mới nhất được thêm vào danh sách các sinh vật có thể tồn tại trong một khoảng thời gian tưởng như là "vô hạn".
Năm 2018, nhóm các nhà khoa học Nga hồi sinh thành công giun thân tròn (nematodes) bị đóng băng, với tuổi thọ ước tính khoảng 30.000 - 42.000 năm.
Rêu và một số loài thực vật cũng được tái sinh sau hàng nghìn năm bị mắc kẹt trong băng.
Sau khi rời lớp băng, các sinh vật có thể sinh sản vô tính thông qua quá trình gọi là trinh sinh - hình thức sinh sản vô tính mà trứng không thụ tinh phát triển thành cá thể mới.
Luân trùng dài khoảng nửa mm và thường sống trong môi trường nước ngọt.
Tên gọi của chúng xuất phát từ các túm lông xung quanh miệng. Chúng sẽ sử dụng bộ phận này để di chuyển và kiếm ăn.
“Chúng tôi có thể sử dụng sinh vật này làm mô hình để nghiên cứu khả năng sống sót trong trạng thái ngủ đông ở nhóm này, đồng thời so sánh nhóm này với các loài động vật khác như gấu nước hay giun tròn", Malavin cho hay.
Bình luận