Để chuẩn bị cho cái chết, nhiều người lên kế hoạch xử lý hài cốt của mình dưới các hình thức khác nhau. Một số người chọn những chiếc quan tài, số khác có dự định hỏa táng và tro của họ sẽ được rải tại một số địa điểm đặc biệt, thậm chí chuyển thành đĩa than. Tuy nhiên, với vài trăm nghìn đô, nhiều người lựa chọn làm đông lạnh cơ thể với hy vọng hồi sinh nhờ tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong tương lai.
Công nghệ Cryogenic và lời hứa làm sống lại người chết
Cryogenics còn được gọi với cái tên cryopreservation, là kỹ thuật đông lạnh một cơ thể chết hoặc các bộ phận cơ thể để bảo vệ chúng khỏi sự phân hủy.
Những người ủng hộ cryogenics coi đây là một công nghệ kỳ diệu để qua mặt cái chết, thậm chí tiến đến sự bất tử. Họ quyết định đóng băng và bảo tồn nguyên vẹn thi thể, trong niềm hy vọng sẽ chờ được đến lúc khoa học phát triển đủ để hồi sinh được cơ thể đã chết và chữa trị bất cứ nguyên nhân nào đã khiến họ tử vong trước đó.
Tính đến nay, cả thế giới có hơn 350 người chết được bảo quản ở nhiệt độ thấp tại một trong bốn cơ sở cung cấp dịch vụ này bao gồm: 2 cơ sở ở Mỹ (Tổ chức Kéo dài Sự sống Alcor, bang Arizona và Viện Cryonics, bang Michigan); 1 ở Nga (công ty KrioRus), và 1 ở Bồ Đào Nha (cũng là phòng thí nghiệm của Alcor).
Khoảng 1.000 người đã đăng ký dịch vụ hồi sinh sau khi chết. Trong danh sách này có cả những nhân vật nổi tiếng như Britney Spears, Simon Cowell, Larry King, Don Laughlin (trùm kinh doanh lĩnh vực cờ bạc tại Mỹ) hay đạo diễn Charles Matthau…
Cryogenics được thực hiện như thế nào?
Về mặt pháp luật, đóng băng sâu chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đã chết. Khoảng thời gian lý tưởng để bắt đầu thủ thuật cryogenics là trong khoảng 2 phút sau khi tim bệnh nhân ngừng đập và không quá 15 phút sau đó.
Đầu tiên, thi thể được làm lạnh dần bằng băng và tiêm chất hóa học để giảm đông máu. Sau khi nhiệt độ hạ đến gần mức 0°C, máu được rút ra để thay bằng một dung dịch nhằm để bảo vệ các mô và cơ quan.
Các kỹ thuật viên cũng tiêm vào cơ thể một dung dịch khác để ngăn các tinh thể băng hình thành, sau đó tiếp tục làm lạnh thi thể xuống đến -130°C. Bước cuối cùng, thi thể được di dời sang một bình chứa Nitơ lỏng. Ở đó, nó sẽ được hạ nhiệt độ xuống -196°C.
Chi phí của dịch vụ cryogenics
Mức phí mà một người phải bỏ ra nếu muốn đông lạnh sâu toàn bộ cơ thể tại Viện Cryonics là từ khoảng 35.000 USD (khoảng 800 triệu VNĐ). Trong khi nếu thực hiện thủ tục tại KrioRus của Nga, bạn sẽ mất 37.600 USD (khoảng 860 triệu VNĐ).
Tại Alcor, chi phí cho việc bảo quản một người là 220.000 USD (tương đương 5 tỷ VNĐ), nếu muốn tiết kiệm hơn thì chỉ cần bảo quản não với giá khoảng 80.000 USD (xấp xỉ 1,8 tỷ VNĐ). Chi phí này chưa bao gồm tiền bảo quản mỗi năm, có nghĩa là để được bảo quản càng lâu, bạn phải bỏ ra càng nhiều tiền.
Cơ hội thành công
Nhiều nhà khoa học cho rằng cơ hội để hồi sinh một người chết gần như bằng 0. Bởi các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là các bộ phận trọng yếu như tim, phổi, não, thận chắc chắn đã bị tổn thương khi đóng băng.
Cho tới thời điểm hiện tại, việc những tổn thương đã xảy ra và dẫn đến cái chết là không thể đảo ngược. Do các tổn hại nặng về các cơ quan nội tạng và não nên luật quy định người tham gia kỹ thuật phải chết thực sự về mặt khoa học, điều này càng làm cho việc hồi sinh một người đã chết gần như không khả thi.
Alcor không đưa ra được một kỹ thuật rõ ràng nào để làm hồi sinh lại một người đã chết quá lâu, hoặc một kỹ thuật đang được phát triển trong tương lai để mang người chết quay trở lại cuộc sống.
Một công nghệ rất mơ hồ trên website của Alcor được mô tả rằng, họ sẽ sử dụng công nghệ nano phân tử với các robot cỡ nano siêu nhỏ có thể thay thế các nhiễm sắc thể hỏng và để có thể phục hồi đến từng tế bào. Điều đáng nói là Alcor không hề nghiên cứu về công nghệ này, thực chất họ chỉ kinh doanh dịch vụ đóng băng và bảo quản người đã chết và không có ai phải chịu trách nhiệm về lời hứa hồi sinh của bệnh nhân. Nghiên cứu chính của Alcor chỉ là các kỹ thuật bảo quản người đã chết tốt nhất có thể.
Viễn cảnh hồi sinh một cơ thể đóng băng cho đến nay vẫn còn khá xa vời và thiếu tính thực tế. Và nhiều người trong cộng đồng khoa học thậm chí còn cho rằng đây là hành động phi đạo đức.
Bình luận