Nắm giữ tài sản "khủng" nhưng hoạt động chưa tương xứng
Tại tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt nếu nhìn vào tổng khối tài sản hơn 3,7 triệu tỷ đồng hiện nay.
Thực tế cho thấy, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu xuất phát từ những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (như khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng) hoặc có rào cản gia nhập ngành tự nhiên, chưa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Các doanh nghiệp mới chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà chưa có sản phẩm có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế.
“Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn”, ông Trung nói.
Cơ chế không rõ ràng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn về trong hoạt động là vấn đề được đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu tại tọa đàm.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam, tập đoàn được Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ đa mục tiêu. Ngoài nhiệm vụ kinh tế, còn an sinh xã hội chứ không thuần chỉ là hoạch toán kinh tế lãi lỗ. Điển hình như việc EVN phải chịu lỗ, bán dưới giá thành rất nhiều để đảm bảo cung ứng điện, đảm bảo an sinh xã hội cho cả vùng sâu vùng xa trong khi những vùng này giá điện nếu tính đủ phải tới 7.000 đồng/kWh.
Bế tắc vì không có cơ chế rõ ràng
Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề toạ đàm, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho biết, Ủy ban là mô hình mới, đặc thù và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Thời gian qua, Ủy ban gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do có mô hình nhưng không có ‘tiếng nói’.
Dẫn chứng không có nhiều ‘tiếng nói’, theo ông Sơn, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ủy ban rất nặng nề nhưng Ủy ban chỉ được quyền quản lý doanh nghiệp, không được đưa ra cơ chế, chính sách pháp luật. Điều này dẫn đến việc khi Ủy ban muốn sửa một điều lệ của doanh nghiệp, nghị định của Chính phủ liên quan thì phải trình sang bộ chủ quản. Vì vậy, tiếng nói bị hạn chế rất nhiều. Chủ tịch Ủy ban cũng không phải thành viên Chính phủ, chỉ là cơ quan thuộc Chính phủ nên khi đưa sang các bộ, có được tiếp thu hay không là quyền của các bộ.
Từ những bất cập trên, ông Sơn cho rằng, cần sửa các quy định hiện hành để tăng quyền thực tế cho Ủy ban, được phân cấp, phân quyền hơn nữa, thậm chí được quyền điều phối nguồn vốn của các doanh nghiệp.
“Có những doanh nghiệp dư thừa nguồn vốn nhưng không sử dụng được trong khi có doanh nghiệp thiếu vốn nhưng luật không cho phép điều phối vốn giữa các đơn vị. Việc bổ nhiệm, phân cấp điều lệ cho doanh nghiệp cũng cần trao cho chúng tôi. Cùng đó, các bộ cũng cần nhanh chóng trả lời các văn bản kiến nghị ủy ban. Chúng tôi trình văn bản đúng hạn nhưng có những bộ suốt 5 tháng trời ngành không trả lời. Thậm chí có dự án SCIC xin ý kiến các bộ ngành 2 năm trời nhưng không được trả lời”, ông Sơn nói và cho rằng có tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp né trách nhiệm khi làm việc.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của đơn vị, ông Hồ Sĩ Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng, sau 5 năm thành lập từ năm 2018 đến nay, Uỷ ban đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, giờ phải đặt vấn đề xác định mô hình của uỷ ban là quản lý vốn cho hiệu quả hay là thực hiện trách nhiệm xã hội. Cùng đó, phải xác định giới hạn quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp thế nào để không cản trở đến quyền hoạt động của doanh nghiệp.
Phải xác định giao Uỷ ban chỉ quản lý vốn ở công ty mẹ hay cả ở các công ty con, cháu. Nếu quản cả các dự án của các công ty con, công ty cháu thì sẽ phải đấu thầu. Cùng đó là mối quan hệ giữa chủ sở hữu và cơ quan quản lý vốn nhà nước. Nếu các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị thì trách nhiệm thế nào còn kết hợp cả nhiệm vụ xã hội thì ra sao?
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, vấn đề phải xác định lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta mong muốn các tập đoàn, DN đóng vai trò dẫn dắt, phát triển bền vững nhưng liệu doanh nghiệp có thể mạnh mẽ tiên phong, dẫn dắt hay không là vấn đề đặt ra.
Bình luận