• Zalo

Siêu phẩm để đời của ông Lê Thụy Hải và trận cầu lịch sử sau ngày thống nhất

Thể thaoThứ Bảy, 02/05/2015 08:12:00 +07:00Google News

15 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, tiền vệ phòng ngự Lê Thụy Hải dâng lên và tung ra một cú sút xa táo bạo khiến thủ thành Cảng Sài Gòn bất ngờ và chỉ còn biết nhì

(VTC News) – 15 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, tiền vệ phòng ngự Lê Thụy Hải dâng lên và tung ra một cú sút xa táo bạo khiến thủ thành Cảng Sài Gòn bất ngờ và chỉ còn biết nhìn bóng bay vào lưới.

Hai bàn thắng

Những bỡ ngỡ ban đầu trôi qua rất nhanh bởi thể thao đẹp là vậy, nó xóa đi những e dè, ngập ngừng của những người lần đầu gặp gỡ. 

Không có điều kiện để tìm hiểu nhiều về đối phương, cả hai đội đã đá bằng những gì tốt nhất mà mình có. Và cũng nhờ đó để lại nhiều ấn tượng đẹp trong nhau, thực sự đạt được mục đích học hỏi bởi khi đó, mỗi đội đá với một phong cách khác nhau.

“Nói về chiến thuật, lúc đó anh em chúng tôi đá đội hình 4-3-3 còn Cảng Sài Gòn thi đấu và di chuyển theo đội hình 4-2-4. Rõ ràng đây là hai trường phái khác nhau. Các cầu thủ ở TP.HCM, đặc biệt là Cảng Sài Gòn đá bóng nhỏ, nhuyễn rất là đẹp nhưng tốc độ chiến thuật chậm.

Còn Tổng cục Đường sắt hồi đó được giao lưu nhiều với bóng đá Đông Âu nên chơi cự ly trung bình nhiều và dài nữa” – ông Trần Duy Long, cựu HLV trưởng của Tổng cục đường sắt 1976 nói.

“Trong Nam người ta có cái hay là có những nhóm cầu thủ, chơi bật tường nhỏ 1-2 và nếu mình không đủ sức theo là mình vỡ” – ông Ngô Thế Thành, cựu tiền vệ Tổng cục Đường sắt 1976 chia sẻ thêm.

Phía bên kia chiến tuyến, cựu tiền Lê Văn Tư (Tư Lê) của Cảng Sài Gòn thì nhớ lại: “Cảng Sài Gòn ngày đó đá là ít đụng chạm. Lần đầu tiên đá với đội Đường sắt có phần chơi cứng nên khả năng tranh chấp của chúng tôi không bằng, phần đông tụi tôi để mất banh”. 

Bóng đá sẽ kém vui nếu thiếu đi những bàn thắng. Trận đấu 39 năm trước, người ta sẽ không thể không nhắc đến hai bàn thắng đẹp mắt của hai danh thủ đất Bắc mà cho đến mãi sau này họ vẫn là những người có đóng góp lớn lao cho bóng đá Việt Nam. Đó là tiền đạo Mai Đức Chung và tiền vệ Lê Thụy Hải.
Ông Mai Đức Chung-tác giả bàn thắng mở tỷ số của trận đấu năm 1976 (Ảnh: Hoàng Tùng) 
“Khi mà anh Nguyễn Minh Điểm có bóng ở biên trái tạt vào thì tôi từ dưới băng lên đánh đầu. Đó là một sự phối hợp rất nhuần nhuyễn vì hồi đó chúng tôi còn đang rất trẻ, mới 25, 26 tuổi thôi và mới đi tập huấn Trung Quốc về. Chúng tôi hừng hực khi thế trẻ và bắt đầu nhen nhúm cái hiện đại” – Ông Mai Đức Chung, tác giả của pha làm bàn mở tỷ số ngày hôm đó bồi hồi nhớ lại.

“Sang hiệp 2 được khoảng 15 phút, tôi khi đó được HLV Trần Duy Long giao nhiệm vụ đá tiền vệ phòng ngự còn anh Hoàng Gia đá tiền vệ cánh trái. Khi ấy tôi đang ở vòng tròn giữa sân, tôi đã gọi “Gia nhanh lên”, và anh Gia chuyền quả bóng ngang cho tôi từ dưới chạy lên. Phía trước tôi chỉ có anh Lang (Phạm Huỳnh Tam Lang), tôi chợt nghĩ, sao mình không qua anh Lang. Đồng thời quan sát thấy anh Hiệp thủ môn của Cảng Sài Gòn hơi lên cao thế là tôi quyết định sút ngay. Nếu mà đắn đo, tôi cũng không dám sút quả đó vì nó cũng xa.

Quả bóng bổng lên và rơi vào cầu môn. Anh Hiệp cũng không nghĩ bóng đi vào lưới, đến khi quay lại thấy khán giả vỗ tay mới biết là đã có bàn thắng” – ông Lê Thụy Hải, tác giả của siêu phẩm ấn định chiến thắng 2-0 cho Tổng cục đường sắt trước Cảng Sài Gòn ngày ấy kể.
 Ông Lê Thụy Hải (phải) khi còn là một tiền vệ phòng ngự xuất sắc của Tổng cục đường sắt.
Sau khi vượt lên dẫn 2-0, không khí trên sân Thống Nhất càng sôi lên. Thậm chí, đã có những tiến súng nổ ngoài sân khiến không ít cầu thủ thi đấu hoang mang.

“Cứ ở trong sân đá, bên ngoài sân tiếng sung nổ lên bằng bằng. Nghe, tôi cũng lo lắm chứ. Tôi lại đá ngoài đường biên, đạn bắn như thế mình cũng kinh, nói dại mình ra ngoài biên nhặt bóng, chẳng may bị ném quả lựu đạn thì chết dở” – cựu tiền đạo Nguyễn Minh Điểm của Tổng cục đường sắt nghĩ lại.

Rất may, trận đấu đã kết thúc mà không có chuyện gì xảy ra.

Và một trận cầu đẹp

Với những nhân chứng sống của trận bóng năm đó, các cầu thủ, các khán giả, trọng tài và HLV đến nay vẫn công nhận rằng, dù diễn ra trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, dù lòng người còn nhiều chộn rộn, thì trận cầu đầu tiên của hai miền Nam-Bắc diễn ra vào ngày Chủ nhật năm 1976 đó vẫn là một trận cầu đẹp. Một trận cầu dù mang ý nghĩa chính trị lớn lao nhưng thể thao đã xóa nhòa đi mọi rào cản, mọi hình ảnh. Trên sân chỉ còn cầu thủ, người hâm mộ và không còn tâm lý kẻ Bắc người Nam.

Cho dù trận đấu có kết thúc bằng tỷ số 2-0 giành cho Đường sắt thì người ta cũng không còn nghĩ nhiều đến chuyện thắng thua.

“Theo tôi thành công lớn nhất của trận đấu là sau khi trọng tài chính Hồ Thiệu Quang cắt còi kết thúc, khán giả xung quanh sân đứng ồ lên và chúng tôi đón nhận những tràng pháo tay ủng hộ cả hai đội” – ông Nguyễn Văn Lộc, cựu trung phong đội Tổng cục đường sắt 1976 khẳng định.

Sau trận cầu vô tiền khoáng hậu 1976 đó, lòng người hâm mộ túc cầu Sài Gòn bỗng nô nức bởi những chàng trai da trắng, thư sinh nhưng đá bóng kỳ tài đến từ miền Bắc.

Ông Hồ Nguyễn ngày ấy là phóng viên báo Tia Sáng cũng chính là một trong những người đã theo chân các cầu thủ Tổng cục đường sắt trong suốt chuyến du đấu Miền Nam đầu tiên kể lại rằng, không chỉ dừng lại ở trận thắng 2-0 trước Cảng Sài Gòn mà Tổng cục đường sắt sau đó còn giành thêm chiến thắng ấn tượng khi xuống miền Tây đá với Tây Ninh, Đồng Tháp đều với tỷ số 2-0, thắng Hậu Giang 3-1 và cuối cùng chỉ để thua Hải Quan 1-2 khi trở lại sân Thống Nhất.

Và điều ông ấn tượng nhất, đó là đi đến đâu, người hâm mộ cũng dành những tình cảm ưu ái đặc biệt cho những cầu thủ mới từ đất Bắc vào.

“Khi thi đấu với Tây Ninh, 15h trận đấu mới bắt đầu thì 12h khán giả đã ùn ùn kéo vào sân. Sân Tây Ninh ngày ấy nhỏ, xung quanh có đến 2, 3 lớp người. Trên những cầu thang nhỏ, người ta leo đứng nghẹt mấy tiếng đồng hồ để xem trận đấu, ấy là còn chưa kể có những chiếc xe vận tải lớn đậu xung quanh sân và khán giả leo lên mu xe. Nếu quan sát không rõ, thì những chiếc xe đó sẽ di chuyển và tôi đã viết một bài viết về “khán đài di động” - Nhà báo Hồ Nguyễn kể lại.

Còn với ông Trần Duy Long, ấn tượng nhất trong chuyến du đấu năm xưa chính là lần về sân Đồng Tháp, ông kể: “Tôi nhớ khi xuống Đồng Tháp, có những bà má mang cả rổ trái cây cho anh em chúng tôi. Chúng tôi tưởng má mang đến sân để buôn bán nhưng cuối cùng lại đưa mời cả đội Tổng cục đường sắt. Đó làm một tình cảm rất tuyệt vời!

Bẵng đi mấy chục năm, bây giờ lại được thi đấu với nhau trong một trận giao hữu như thế này, tôi nghĩ cảm xúc được nén lại và đến giờ thì bùng lên, truyền cảm hứng cho nhau về một mối tình rất sâu đậm”.
Cựu tiền đạo Tổng cục đường sắt Mai Đức Chung (trái) và cựu tiền đạo Cảng Sài Gòn 1976 Tư Lê bắt tay trong trận cầu gặp lại sau 39 năm. (Ảnh: Hoàng Tùng) 
Có lẽ chẳng mối tình nào sâu hơn, rộng hơn mối tình đồng chí, đồng bào. Đội bóng Tổng cục đường sắt – những sứ giả thể thao hay cũng chính là sứ giả của tình thân trong đội bóng miền Bắc đầu tiên du Nam ngày ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại cho người hâm mộ và nhân dân miền Nam một tình cảm quý mến và ấn tượng.

Chuyến du đấu ấy, không chỉ giúp cho cầu thủ hai miền biết nhau hơn mà còn là sợi dây góp phần gắn kết hai miền Nam-Bắc sau 30 năm ngăn cách, để qua đó, người ta lại ước ao, lại hoài niệm rằng, giá như đừng có chiến tranh, giá như hai miền đừng phải chia cách thì có lẽ đến nay với những tinh hoa của đất Bắc, đất Nam, bóng đá Việt Nam đã mạnh hơn, phát triển hơn rất nhiều.

Nhưng không ai có thể thay đổi được lịch sử. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, lịch sử vẻ vang đó đã hun đúc và tạo nên một dân tộc Việt Nam anh hùng, đoàn kết và chiến thắng.

Và lịch sử cũng tạo nên tình bạn hữu 40 năm của những con người từng là cựu cầu thủ của Tổng cục đường sắt, của Cảng Sài Gòn, của Hồng Hà, Trường, Sơn, Cửu Long 1978 gặp lại nhau, đá lại với nhau những trận bóng giao hữu, chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Clip Festival bóng đá Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long 2015.

thethao/2015/04/15/Festival-Hng-H--Trng-Sn--Cu-Long-1429081843.mp4&stream=pseudo" src="https://vtcnews.vn/static/swf/player.swf" type="application/x-shockwave-flash" width="500" height="350">

Không ai giấu được ánh mắt tự hào, xúc động khi ôn lại kỷ niệm về trận cầu năm xưa – trận cầu đầu tiên giữa 2 miền Nam-Bắc. 

Họ cũng hoàn toàn có quyền tự hào rằng, chính trận cầu đầu tiên ấy với tinh thần thể thao trong sạch, vô tư đã đặt nền móng cho một nền bóng đá phát triển và hội nhập cho hôm nay và mai sau.

Tiểu Hàn
Bình luận
vtcnews.vn