• Zalo

Siêu kình ngư tuổi teen Trung Quốc và kỳ tích đáng ngờ

Thể thaoThứ Hai, 30/07/2012 10:00:00 +07:00 Google News

(VTC News) – Cho đến hôm nay, hai ngày sau khi kình ngư Shiwen Ye của Trung Quốc phá kỷ lục Olympic ở nội dung 400 m hỗn hợp, thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng.

(VTC News) – Cho đến hôm nay, hai ngày sau khi kình ngư Shiwen Ye của Trung Quốc phá kỷ lục Olympic ở nội dung 400 m hỗn hợp, thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng xen lẫn hoài nghi về kỳ tích của cô gái 16 tuổi này. 

"Kỳ tích khó tin"

Chính Ryan Lochte – nam kình ngư vừa dành HCV ở nội dung tương tự như Yen đã phải thốt lên như thế khi anh biết rằng, trong 50 m cuối bơi tự do, Yen còn bơi nhanh hơn cả anh tới 0,17 giây. Cụ thể, thành tích trong 50 m cuối của Ryan Lochte là 29,10 giây, còn Shiwen Ye là 28,93 giây.

Lochte nói: “Suốt ngày thứ Bảy chúng tôi bàn tán mãi về thành tích của Shiwen Ye. Đó là một cú bứt phá rất ấn tượng và không chừng khi bơi cùng tôi, cô ấy sẽ đánh bại tôi”.

Shiwen Ye, 16 tuổi phá kỷ lục tại Olympic London ở nội dung 400 m hỗn hợp. 

Trước đó như tin đã đưa, ở ngày thi đấu đầu tiên của Thế vận hội London, Shiwen Ye đã vượt qua đương kim vô địch thế giới Elizabeth Beisel để giành HCV ở nội dung 400 m hỗn hợp, đồng thời phá kỷ lục Olympic với thành tích 4 phút 28 giây 43. Kỷ lục cũ là 4 phút 29 giây 45 được Stephanie Rice thiết lập tại Olympic 2008.

Nhật báo Guardian cho rằng, Shiwen Ye đã tạo nên một điều kinh ngạc thực sự bởi 400 m hỗn hợp vốn không phải là nội dung mạnh nhất của Ye. 200 m hỗn hợp mới là sở trường đã mang về chức vô địch thế giới cho Yen năm 2011 ở Thượng Hải.

>> Clip phần thi gây sốc của kình ngư tuổi teen
Một điểm đáng chú ý nữa là Shiwen Ye vượt qua kỷ lục cũ tới hơn 1 giây trong khi phải thi đấu với bộ quần áo không có tính năng làm giảm ma sát theo quy định mới của liên đoàn bơi lội thế giới. Đó là một khác biệt về điều kiện thi đấu so với Stephanie Rice, người đã giữ kỷ lục ở nội dung này trong suốt bốn năm qua.



Và đầy hoài nghi

Cú nước rút "siêu phàm" của Ye làm rất nhiều người kinh ngạc song chính nó cũng làm dấy lên những hoài nghi từ giới truyền thông.

Trung Quốc vốn có lịch sử dính phốt doping đáng xấu hổ trong các môn thể thao Olympic mà mới đây, tờ Sydney Morning Herald đã đưa ra những thông tin gây sốc nhờ những tuyên bố công khai của Xue Yinxian, cựu phụ trách y tế đoàn vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc trong những năm 1980.

Xue Yinxian, cựu phụ trách y tế đoàn vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc trong những năm 1980.  

Xue đã tiết lộ trên Sydney Morning Herald rằng, chất kích thích và hormon tăng trưởng người đã được sử dụng chính thức như một phần của “hoạt động huấn huyện khoa học” khi Trung Quốc đang muốn vươn lên thành quyền lực thể thao và là chuyện phổ biến trong những năm 1980. Người ta phải chấp nhận chuyện đó.

Xue cũng cho biết các vận động viên thường không rõ họ bị tiêm thứ gì và nhân viên y tế nào từ chối tham gia chương trình sẽ lập tức bị thay thế.

Ngoài ra tờ Sydney Morning Herald còn phân tích: Đây là lần đầu tiên có người trong hệ thống công khai chống lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng hàng loạt vụ vận động viên dùng doping bị phát hiện trong những năm 1990 là kết quả từ hoạt động của các vận động viên và huấn luyện viên tham vọng.

Bắc Kinh nói rằng họ đã xóa sạch hoạt động này kể từ giải vô địch bơi lội thế giới 1994, khi Trung Quốc khiến cả thế giới ngỡ ngàng vì thu về 12 huy chương vàng, làm dấy lên những nghi vấn dùng doping.

Cuối năm đó, 7 vận động viên đã có kết quả dương tính với chất kích thích tại Asian Games ở Hiroshima, vốn khiến đội tuyển hao mòn lực lượng tới mức họ chỉ giành đúng 1 huy chương vàng bơi lội tại Olympic Atlanta 1996.

Nhưng sự sụt giảm này chỉ là tạm thời và năm 1998, Trung Quốc đã trở lại, cho tới khi có 4 vận động viên khác được phát hiện dương tính với chất kích thích. Người ta cũng phát hiện hormone tăng trưởng người trong hành lý của một vận động viên bơi lội tại giải vô địch bơi lội diễn ra cùng năm đó ở Perth, Australia.

Trước Olympic London, báo chí Trung Quốc nói rằng các vận động viên và huấn luyện viên đều phải tuyên thệ trước quốc kỳ rằng sẽ thi đấu trung thực.

Trước khi tới Thế Vận hội, nhiều vận động viên Trung Quốc đã tránh ăn thịt vì sợ rằng thịt bò, lợn và cừu trong nước có thể nhiễm các tạp chất như clenbuterol, vốn giúp tạo thịt nạc và cơ bắp ở động vật, nhưng là chất bị cấm.

Ít nhất 196 vận động viên tại Trung tâm Thể thao quốc gia dưới nước Trung Quốc, vốn phụ trách hoạt động bơi lội, lặn và các môn thể thao nước khác, đã không ăn thịt trong nhiều tuần trước Thế Vận hội.

Đông Quang

Bình luận
vtcnews.vn