• Zalo

Sĩ tử nên ăn gì để tốt cho trí não vừa ôn thi tốt, vừa không bỏ trận bóng hay?

Sức khỏeThứ Sáu, 31/08/2018 11:34:00 +07:00Google News

Thực phẩm nào tốt cho sức khỏe của các sĩ tử đang bước vào thời gian ôn luyện căng thẳng, đặc biệt các sĩ tử 'fan cuồng' bóng đá?

Thời điểm này, tại Việt Nam, sĩ tử đang bước vào thời gian ôn luyện căng thẳng để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời cũng là mùa diễn ra World Cup 2018, việc ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào để đạt được hai 'mục tiêu quan trọng' đó, đặc biệt đối với những sĩ tử là 'fan cuồng' bóng đá đang là vấn đề hết sức đau đầu không những của học sinh mà còn là của các bậc phụ huynh.

PV đã có cuộc trao đổi với ThS.BS. Ngô Thị Hà Phương (Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng) về vấn đề này. ThS.BS. Ngô Thị Hà Phương cho biết: “Với các em học sinh, sinh viên, nhất là các sĩ tử, trong thời điểm bước vào mùa thi, cần sự hoạt động hết công suất của não bộ, cần đảm bảo trí lực của các em luôn minh mẫn và sáng suốt.

Như vậy điều quan trọng, một mặt là cung cấp đủ ‘nhiên liệu’ cho não hoạt động, một mặt là cần tạo điều kiện thuận lợi để não có thể làm việc tối đa hết khả năng, và được nghỉ ngơi một cách hợp lý”.

che-do-dinh-duong

 Các bậc phụ huynh cần chú ý cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho các sĩ tử.

ThS. BS Hà Phương cho biết: ‘Nhiên liệu’ ở đây có nghĩa là năng lượng và các chất dinh dưỡng giành cho bộ não. Đường Glucose được coi là ‘nhiên liệu’ duy nhất giành cho bộ não, và cơ thể cần phải cung cấp đường glucose liên tục cho não bộ hoạt động.

Theo các nghiên cứu, Bộ não tiêu thụ khoảng 120 g đường Glucose mỗi ngày (420 Kcal), chiếm khoảng 60% việc sử dụng glucose của toàn bộ cơ thể ở trạng thái nghỉ. Trong đó, 60% đến 70% năng lượng được sử dụng để cung cấp cho các cơ chế vận chuyển chủ động qua màng Na + -K +, cần thiết cho việc truyền các xung động thần kinh.

Não cũng phải tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh và các thụ thể của chúng để truyền các xung thần kinh. Bên cạnh đó, có bằng chứng cho thấy nồng độ glucose trong máu cao sẽ làm ảnh hưởng tới sự truyền tín hiệu trong bộ não. Nếu nguồn cung cấp năng lượng không đủ, có thể gặp nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm cả suy giảm trí nhớ, mệt mỏi và mất khả năng tập trung.

si tu nen an gi 3

Sĩ tử nên tránh sử dụng nước ngọt. 

ThS.BS Hà Phương đưa ra lời khuyên với các sĩ đang trong thời gian ôn tập và trong kỳ thi: “Các em cần ăn uống khoa học - ăn đủ nhằm duy trì đường huyết ở mức độ ổn định, tránh ăn quá no hay quá đói, đồng nghĩa với cơ thể sẽ luôn cung cấp đủ lượng glucose cho hoạt động bộ não.

Tránh thực phẩm chứa nhiều đường như các loại nước ngọt, đồ ngọt… chọn các thực phẩm chứa nhiều carbonhydrate phức hợp, chất xơ nhằm giải phóng đường glucose từ từ vào máu.

Một chế độ ăn uống đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau, phối hợp các nguồn động vật và thực vật, ăn đủ lượng rau, quả theo khuyến nghị giúp cung cấp vitamin và chất khoáng cần thiết cho các quá trình chuyển hoá của cơ thể.

Các vitamin như folate và B12, có nhiều trong thịt, cá, lòng đỏ trứng, sữa bơ, các loại hạt, các loại rau xanh đậm… hỗ trợ chức năng lành mạnh của hệ thần kinh (não, tủy sống và dây thần kinh).

Cần cung cấp đủ acid béo thiết yếu như omega – 3, omega – 6, các thành phần chủ yếu tạo nên tế bào não. Hầu hết chúng ta ăn nhiều omega – 6 hơn (omega – 6 có trong thịt gia cầm, trứng, quả bơ và quả hạch, omega – 3 được tìm thấy trong dầu cá, các loại hạt, đặc biệt là hạt lanh và quả hạch, quả óc chó).

Cần chú ý chất béo chuyển hóa, có nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn, còn được gọi là "chất béo hydro hóa", đặc biệt có hại cho não, bởi vì chúng ngăn chặn các axit béo thiết yếu hoạt động hiệu quả. Bởi vậy nên ăn 1 tuần khoảng 3 bữa cá, các loại cá như cá hồi, cá trích và cá thu, là nguồn giàu omega-3, tránh thực phẩm chế biến có chứa các chất béo hydro hoá.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý chọn các thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, biết rõ nguồn gốc vì nhất là với các loại cá biển, nếu mua phải những loại đã đánh bắt lâu, không bảo quản tốt sẽ chứa lượng lớn histamine dễ gây ngộ độc thực phẩm”.

Bên cạnh chế độ ăn, ThS.BS Hà Phương chia sẻ thêm, đối với những sĩ tử là “fan cuồng” bóng đá muốn theo dõi các trận đấu tại giải World Cup đang diễn ra thì cũng cần ngủ đủ giấc.

Theo bác sĩ Phương, các sĩ tử phải ngủ điều độ, điều này giúp máu lưu thông tốt, mang ôxy và dưỡng chất tới cho não nhiều hơn giúp các em học tập hiệu quả hơn.

“Bộ não của chúng ta chỉ có thể tập trung, hoạt động liên tục trong vòng 30 - 45 phút, sau đó nó cần được nghỉ ngơi. Do vậy không phải cứ học liên tục là tốt mà cứ mỗi 30 - 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút.

Thời gian nghỉ ngắn này có thể vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn, nghỉ ngơi. Đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả), ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng, tuyệt đối không nên thức khuya”, bác sĩ Phương cho biết.

Bác sĩ Phương khuyến cáo: Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu hoá, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập.

Chất dẫn truyền thần kinh serotonin quan trọng đối với giấc ngủ, được tổng hợp từ amino acid tryptophan, có trong sữa, yến mạch và các thực phẩm khác. Các em có thể uống sữa trước khi đi ngủ giúp ngủ sâu giấc.

ThS. BS Ngô Thị Hà Phương đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh: “Bố mẹ các em nên sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất trong bữa ăn hàng ngày. Các vi chất được tăng cường vào thực phẩm như sắt, kẽm, I ốt, vitamin A đặc biệt quan trọng giúp các em phòng chống thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu I ốt, thiếu vitamin A, tăng cường khả năng tập trung và trí nhớ, giúp tăng cường miễn dịch phòng ngừa mắc bệnh trong thời gian thi cử.

Các sản phẩm tăng cường vi chất như bánh quy tăng cường vi chất có thể sử dụng trong bữa phụ của các em, các loại dầu ăn tăng cường vitamin A, muối I ốt nên được sử dụng trong chế biến bữa ăn hàng ngày cho cả gia đình”.

Video: Mang trái tim từ Hà Nội vào Huế ghép cho bệnh nhân 15 tuổi bị suy tim

Thu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn