Khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cùng người thân vung tiền mua vào lượng lớn cổ phiếu. Lúc giá cổ phiếu được đẩy tăng cao, họ lại đồng loạt bán ra, thu về hàng trăm tỷ đồng. Chuyên gia cho rằng, động thái bán ra ào ạt của giới lãnh đạo doanh nghiệp gần đây có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Ào ào bán cổ phiếu
Ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khang Minh Group (Khang Minh Group, mã chứng khoán GKM), vừa bán 2 triệu cổ phiếu GKM trong hai phiên ngày 26 - 27/8 và thu về khoảng 38 tỷ đồng. Thương vụ kết thúc, ông Lê giảm hẳn lượng cổ phiếu nắm giữ từ 24,14% xuống 10,7%. Không lâu trước đó, bà Nguyễn Thị Việt Hồng, vợ ông Lê cũng bán toàn bộ 631.312 cổ phiếu GKM.
Trên thị trường, cổ phiếu GKM đang giao dịch khá phấn khích với mức tăng trưởng ấn tượng. Trong 3 tháng gần nhất, giá mã này đã tăng tới 25,1%, hiện đang neo tại mức 21.900 đồng.
Cùng trong tháng 8, ông Phạm Thế Hùng, chồng bà Nguyễn Thị Thu, Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Thăng Long (mã TTL) đã thoái toàn bộ gần 2,5 triệu cổ phiếu TTL thu về khoảng 25 tỷ đồng. Sau khi giao dịch, ông Hùng không còn sở hữu cổ phiếu TTL nào.
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, TTL ghi nhận doanh thu thuần hơn 444 tỷ đồng, tăng 63% nhưng do chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp tăng nên lãi ròng của TTL giảm 25%, còn hơn 5 tỷ đồng.
Tại công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Mã NTL), bà Nguyễn Thị Mai - mẹ ông Đinh Đức Tiệp, Phó Tổng giám đốc NLT - đăng ký bán thêm 1,35 triệu cổ phiếu từ ngày 9/9 - 8/10. Trước đó bà Mai đã bán khớp lệnh thành công hơn 1,5 triệu cổ phiếu NTL. Với mức giá quanh vùng 36.000 đồng, số tiền bà Mai thu được sau thương vụ vào khoảng hơn 50 tỷ đồng.
Trong vòng 1 tháng trở lại, nhiều lãnh đạo và người thân tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn, mã VHC) cũng chào và bán ra lượng lớn cổ phiếu VCH. Cụ thể, ông Tạ Khánh Toàn, chồng bà Huỳnh Thị Hồng Diễm, Phó Giám đốc Khối sản xuất vừa bán ra 39.400 cổ phiếu, thu về khoảng 2 tỷ đồng.
Hai lãnh đạo khác là ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc thường trực và bà Đặng Thị Thương, Giám đốc phát triển bền vững cũng đăng ký bán 25.000 cổ phiếu và 13.800 cổ phiếu VCH.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/9, cổ phiếu VHC đứng mức 49.000 đồng. Từ đầu năm đến nay, mã này tăng 18%, giúp mỗi cổ phiếu thêm 7.450 đồng/cổ phiếu.
Chớp thời cơ giá cổ phiếu đang trên vùng đỉnh", nhiều cổ đông tổ chức tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (mã DIG) cũng liên tục bán ra số lượng khủng để thu về hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, ngày 10/8, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thiên Tân đã bán ra hơn 5,5 triệu cổ phiếu DIG, thu về khoảng 168 tỷ đồng. Đến ngày 12/8, cổ đông này tiếp tục thoái hơn 6 triệu cổ phiếu DIG để mang về hơn 200 tỷ đồng. Và ngày 27/8, tổ chức bán tiếp 2,5 triệu cổ phiếu DIG, với thị giá khoảng 33.700 đồng/cổ phiếu.
Trong thời điểm cổ đông này thoái vốn, giá cổ phiếu DIG thiết lập đỉnh lịch sử. Hiện giá đang giao dịch quanh mức 33.700 đồng/cổ phiếu, tăng 151% sau 1 năm.
Từ nay đến cuối tháng 9, nhiều giao dịch của lãnh đạo các doanh nghiệp khác cũng dự kiến diễn ra. Chẳng hạn, ông Nguyễn Thành Nhân, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (mã MVC) đăng ký bán gần 24 triệu cổ phiếu MVC từ ngày 13/8 - 10/9.
Nhà đầu tư nên chú ý gì?
Chia sẻ với VTC News, chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường cho rằng việc lãnh đạo và người thân bán ra với số lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp mình là câu chuyện không mới trên sàn chứng khoán và không phải lúc nào cũng khiến cổ phiếu rớt giá. Động thái này tùy thuộc vào thời điểm của thị trường cũng như các yếu tố khác vì có rất nhiều giai đoạn lãnh đạo đăng ký bán ra nhưng cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá.
“Tôi cho rằng quan trọng nhất ở đây là góc nhìn về ban lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự làm cho nhà đầu tư cảm thấy tin tưởng lâu dài hay không. Việc trong ngắn hạn giá cổ phiếu biến động cũng một phần do lãnh đạo doanh nghiệp ước tính được điểm rơi của kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nên có động thái bán ra”, ông Cường nói.
Theo chuyên gia này, nhà đầu tư vẫn nên có biện pháp phòng vệ bằng cách hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ.
Nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp khác cũng cho rằng động thái bán cổ phiếu nêu trên có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đồng thời cho thấy có thể thị giá một số cổ phiếu đang cao hơn giá trị nội tại. Do đó nhà đầu tư cũng nên thận trọng với các cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp bán ra, cũng như các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó để hạn chế rủi ro, nhất là trong trường hợp thị trường điều chỉnh.
Nhận định về thị trường cuối năm, ông Cường cho rằng kịch bản vẫn sẽ tiếp tục sideway (không có biến động lớn) do các yếu tố về vĩ mô vẫn chưa thực sự ổn định với biến số COVID-19 cùng những chủng mới có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong giai đoạn sắp tới.
“Tuy vậy việc từng bước sống chung với đại dịch ít nhiều sẽ giúp cho nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới tăng lên hỗ trợ cho việc phục hồi sau đại dịch. Mốc biên độ 1.300 – 1.400 dự báo sẽ là mốc dao động của thị trường từ nay cho tới hết năm”, chuyên gia nhận định.
Bình luận