Lương nhân viên trích sang cho "sếp"
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trước tháng 5/2013, tiền lương của viên chức quản lý được phân định rõ với người lao động, từng bước tiếp cận với tiền lương của các chức danh quản lý trên thị trường.
Tiền lương bình quân của người lao động năm 2012 khoảng 7,7 triệu đồng/tháng; của viên chức quản lý khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Trong đó, tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91, người lao động khoảng 11 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH cũng cho hay, trên thực tế, ở một số doanh nghiệp, tiền lương của người lao động và viên chức quản lý chưa thực sự gắn liền với hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và kết quả đánh giá quản lý, điều hành và còn có sự chênh lệch lớn tiền lương giữa doanh nghiệp lợi thế ngành nghề kinh doanh và doanh nghiệp không có lợi thế kinh doanh.
Cụ thể, tại những doanh nghiệp có lợi thế thì người lao động hưởng lương 20-25 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý hưởng lương 70-80 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại những doanh nghiệp không có lợi thế thì người lao động chỉ hưởng bằng lương chế độ khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý hưởng 8-10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, có doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định, trích một phần từ quỹ tiền lương của người lao động để bổ sung cho viên chức quản lý, hoặc gộp vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối như trường hợp 4 doanh nghiệp công ích tại TPHCM.
Nhiều doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch trong xác định và trả lương, trong khi việc kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu chưa đầy đủ, thường xuyên, dẫn đến viên chức quản lý hưởng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, tạo chênh lệch lớn về tiền lương giữa viên chức quản lý giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa viên chức quản lý với người lao động và với công chức hành chính, gây bức xúc trong dư luận.
Lương 50-70 triệu đồng cho dù hiệu quả thấp
Đến giai đoạn 2013 -2015, tiền lương cơ sở của viên chức quản lý được gắn chặt hơn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, có khống chế mức tối đa (cao nhất với Chủ tịch tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng và thấp nhất đối với kế toán trưởng công ty hạng III là 16 triệu đồng/tháng) để làm “nền” xác định mức lương được hưởng.
Nếu doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất, kinh doanh không tăng thì chỉ hưởng mức lương cơ sở, hiệu quả tăng thì được tăng thêm không quá 0,5 lần mức lương cơ sở; hiệu quả giảm thì hưởng lương thấp hơn mức lương cơ sở; không có lợi nhuận hoặc lỗ thì hưởng bằng tiền lương chế độ. Ngoài ra, Chính phủ quy định viên chức quản lý chỉ được hưởng tiền thưởng từ quỹ thưởng ban quản lý điều hành (tối đa 1,5 tháng lương thực hiện).
Theo số tiệu tổng hợp báo cáo của một số bộ, ngành, tiền lương của người lao động giai đoạn 2013-2015 tăng khoảng 7-8%/năm. Tiền lương bình quân năm 2013 của người lao động trong các công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty 91 đạt khoảng 12 triệu đồng, năm 2014 đạt khoảng 12,9 triệu đồng và năm 2015 đạt khoảng 14,3 triệu đồng/tháng.
Viên chức quản lý công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty 91 giai đoạn 2013-2015 hưởng lương bình quân khoảng 40-45 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý ở những doanh nghiệp có nhiều lợi thế (trước đây hưởng 70-80 triệu đồng/tháng) thì giai đoạn này chỉ còn 45-50 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có ít lợi thế, doanh nghiệp công ích (trước đây hưởng 8-10 triệu đồng) thì trong giai đoạn này cũng đã được nâng lên khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, việc chi trả tiền lương trong giai đoạn 2013-2015 vẫn có một số vấn đề. Chẳng hạn, đối với viên chức quản lý ở doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao chỉ được hưởng mức lương tối đa theo quy định là 54 triệu đồng/tháng đối với Chủ tịch tập đoàn.
So với mặt bằng tiền lương, Bộ LĐTB&XH đánh giá là còn thấp, không tạo được động lực phấn đấu tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngược lại, một số doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả thấp ở địa phương thì hưởng mức lương 30-35 triệu đồng/tháng là quá cao so với mặt bằng tiền lương ở địa phương.
Đối với công ty có cổ phần chi phối của nhà nước, do chưa có quy định riêng dẫn đến tình trạng, có xu hướng đẩy tiền lương của viên chức quản lý lên cao. Có trường hợp lỗ, hiệu quả thấp nhưng hưởng mức lương 50-70 triệu đồng/tháng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền lương của người lao động không tăng, thậm chí giảm.
Cấp "Sếp" có thể đạt mức lương tối đa trên 150 triệu đồng
Từ năm 2016, tiền lương của người quản lý được xác định gắn với quy mô, độ phức tạp của quản lý (hạng doanh nghiệp) tương ứng với mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng mở rộng hệ số tăng thêm tối đa từ 0,5 đến 1,0 lần mức lương cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao. Đảm bảo quy định, Chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 72 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận vượt kế hoạch, các quy định mới cho phép người quản lý được hưởng thêm tiền lương theo nguyên tắc cứ tăng 1% lợi nhuận so với kế hoạch thì được bổ sung thêm 1% tiền lương, nhưng tối đa không quá 20% tiền lương kế hoạch. Đối với trường hợp đạt đủ điều kiện này thì Chủ tịch Tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 86,4 triệu đồng/tháng.
Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước, nếu bảo đảm các tiêu chí về năng suất, lợi nhuận thì tiền lương của người quản lý tối đa có thể đạt 3,5 lần mức lương cơ bản, tương đương 126 triệu đồng/tháng.
Để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì người quản lý còn được bổ sung lương tối đa không quá 20% lương kế hoạch. Trường hợp đạt đủ điều kiện này thì Chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 151,2 triệu đồng/tháng.
Bình luận