• Zalo

SEA Games: Hãy xin lỗi thật lòng, đừng vì đại cục nữa

Thể thaoThứ Hai, 16/12/2013 11:17:00 +07:00Google News

(VTC News)- Nếu SEA Games biết xin lỗi, xin hãy nói thật lòng, đừng vì đại cục nữa.

(VTC News)- Nếu SEA Games biết xin lỗi, xin hãy nói thật lòng, đừng vì đại cục nữa.

1. Tan trận Man City- Arsenal, Per Mertesacker lao thẳng về phía Oezil, chỉ tay, mắng xối xả vào mặt đồng đội. Nhiều CĐV Arsenal xem qua truyền hình chột dạ, lo nội bộ đội bóng xuất hiện rạn nứt sau thảm hại ở Etihad. HLV Arsene Wenger phải lên tiếng trấn an: "Người Đức tự biết cách giải quyết vấn đề của họ".
Oezil
Oezil bị đồng đội nhắc nhở

Giáo sư hẳn là luôn... đúng. Chỉ ít giờ sau, trên facebook, Oezil đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể fan Arsenal.

Toàn văn những lời từ đáy lòng của Oezil như sau: "Xin lỗi, tôi đã không cảm ơn các bạn cổ động viên khi kết thúc trận đấu. Các bạn đã phải đi một quãng đường dài, tiêu tốn tiền bạc để tới sân cổ vũ cho tôi. Đáng ra, tôi phải đến để cảm ơn mọi người. Xin lỗi, bởi tôi đã quá thất vọng vì kết quả trận đấu mà quên đi truyền thống quý báu của Arsenal bất kể khi chúng ta thắng, thua hay hòa". 

Lời xin lỗi của Oezil

Lời xin lỗi nhanh chóng được chấp nhận. Các fan Arsenal dù buồn phiền song đủ rộng lượng để tha thứ cho Oezil, người mới đến Arsenal được 4 tháng, và hẳn nhiên, chưa thể thấm nhuần thứ văn hóa "Cảm ơn" ở nước Anh.
2. Trở lại câu chuyện ở Myanmar những ngày này. Thử tưởng tượng: SEA Games vào vai Oezil, Mertesacker là cánh báo chí và cổ động viên Arsenal trên khán đài Etihad hôm thứ 7 đại diện cho số đông các đoàn VĐV tới SEA Games tranh huy chương.

Điều gì sẽ xảy ra?

Kết thúc 90 phút thi đấu (ở đây là 11 ngày đọ tài), SEA Games coi như trắng tay bởi quá nhiều scandal trọng tài khiến VĐV rơi nước mắt. Giới truyền thông ngán ngẩm, oán thán, mắng mỏ chẳng tiếc lời.

Còn CĐV, đúng như lời Oezil nước Đức tâm tình: Tốn biết bao thời gian, sức lực, tiền bạc chuẩn bị lực lượng, hừng hực khí thế tới Myanmar xa xôi, xem SEA Games "đá đấm" thế nào. Nhưng cuối cùng, phần nhận lại được chỉ là lối hành xử nặng tính ăn thua, bằng mọi giá để đạt được mục đích.

Những lời xin lỗi trên mạng xã hội sau đó thì sao?

Tổng trọng tài môn Karatedo: "Chúng tôi đã sai khi trọng tài xử ép đoàn Việt Nam ở nội dung kata đồng đội nữ. Nhưng mong đoàn Việt Nam bỏ qua vì thành công chung của đại hội".

Nước mắt Nguyễn Thị Thanh Phúc

VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc (Việt Nam): "Nhìn thấy bao công sức và chiếc HCV lẽ ra là của mình mất về tay người khác bởi trọng tài, tôi đau lắm. Tôi đã chuẩn tâm lý rất kỹ, bởi hình dung là mình sẽ bị chèn ép, vì đây là nội dung duy nhất của điền kinh mà trọng tài có thể gây sức ép với các VĐV. Và điều đó đã xảy ra đúng như dự đoán. Tôi xin lỗi người hâm mộ nước nhà, xin lỗi thầy cô và tất cả những ai đã kỳ vọng vào tôi…”.
Ahmad Shahril, vận động viên Pencak Silat (Malaysia) thì mải khóc mà quên xin lỗi. Hôm qua, anh lỡ tay "làm đau" đối thủ nước chủ nhà, nên bị phạt, không được lên bục nhận HCV.

Ahmad Shahril bật khóc nức nở 

3. Tới lúc này bạn đọc sẽ thắc mắc, sao Oezil-SEA Games nhất quyết không đứng lên giơ tay xin lỗi.

Thử hỏi ngược lại: Văn hóa ở SEA Games là gì? Có phải "Cảm ơn" bất kể khi thắng, thua hay hòa kiểu Arseanal?

Không. Ở SEA Games, chỉ có một thứ văn hóa. Ấy là văn hóa "Vì... đại cục".

Tất nhiên, đại cục ở đây không đến nỗi có mùi như cái “đại cục” trong vụ ăn chặn tiền của trẻ em khuyết tật ở Hà Giang. Bởi bản chất của thể thao cuối cùng vẫn là sự cao thượng.

Sẽ chẳng ai nghi ngờ những cay đắng trong lời xin lỗi của Thanh Phúc hay nước mắt của Ahmad Shahril.


Chỉ mong SEA Games, nếu xin lỗi, hãy thật lòng, xin đừng vì... đại cục nữa.

Thành Phạm (Từ Yangon, Myanmar)

Bình luận
vtcnews.vn