• Zalo

SEA Games 26: Các giá trị thể thao đang bị xói mòn

Tổng hợpThứ Năm, 17/11/2011 07:26:00 +07:00Google News

(VTC News)-Một số phương tiện truyền thông của Singapore đang có những bài viết phàn nàn về công tác tổ chức SEA Games 26.

(VTC News)-Không chỉ báo chí Việt Nam, các phương tiện truyền thông của Singapore cũng đang có những bài viết phàn nàn về cách thức tổ chức SEA Games 26 của Indonesia, từ công tác trọng tài cho tới sự cổ vũ thái quá của khán giả nước chủ nhà.

SEA Games là nơi thể hiện tình đoàn kết giữa các nước trong khu vực, và thông qua các môn thể thao, tình bạn, sự thiện chí của các vận động viên ngày càng được thắp sáng để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng cùng với sự phát triển của cuộc sống, SEA Games đã có nhiều sự thay đổi.

Bây giờ, SEA Games còn là nơi thể hiện rõ niềm tự hào của cả một dân tộc. Tuy nhiên, nó lại bị chi phối bởi các chính trị gia, BTC và một số cơ quan quyền lực khác. Thế nên, không ít người đã mất niềm tin vào sự công bằng ở SEA Games vì những “yếu tố”, như đạo đức gia, cố chấp, thiếu công bằng đã len lỏi vào các môn thi đấu. SEA Games 26 là một ví dụ cụ thể.

 Theo báo chí Singapore, sự cổ vũ thái quá của các CĐV Indonesia đang làm tổn thương các VĐV Malaysia.

Xu hướng hiếu chiến và tinh thần ái quốc cực đoan của chủ nghĩa Sovanh đang bao phủ kỳ SEA Games lần này. Nó dường như đã đi quá xa so với tôn chỉ, mục đích ban đầu của SEAP Games: Thúc đẩy mối quan hệ gần gũi và hiểu biết giữa các nước láng giềng.

Khi Thái Lan tổ chức SEAP Games lần đầu tiên vào tháng 12/1959, nó thực sự là một sự kiện đầy tinh thần thiện chí. Các nước tham gia, gồm Miến Điện (nay là Myanmar), Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cạnh tranh trung thực mà không cần bất chấp hay mâu thuẫn trong khi thi đấu.

Về sau, các môn thi đấu ngày càng được mở rộng ra và tầm vóc của SEAP Games cũng được nâng lên, với sự góp mặt của Indonesia, Singapore, Philippines, Brunei và gần đây nhất là Timor Leste.

Thế nên, năm 1977, SEAP Games được thay thế bằng SEA Games. Sự cạnh tranh trong khi thi đấu trở nên đáng chú ý hơn, nhưng vẫn giữ được những tiêu chí cơ bản của thể thao: công bằng và trung thực.

Theo diễn tiến của thời gian, bản chất của thể thao ở mỗi kỳ SEA Games bắt đầu có những biến thái tiêu cực. Người ta dường như muốn làm tất cả để chiến thắng bất chấp các thủ đoạn. Thế nên, các giá trị đích thực của thể thao đang ngày càng bị xói mòn.

Cứ xem SEA Games 26 thì rõ. Nước chủ nhà đề ra tới 43 môn thi đấu mà hầu hết đều có lợi cho nước chủ nhà Indonesia. Cùng với đó là 542 tấm Huy chương vàng cho người giành chiến thắng. Sẽ là tốt nếu có sự công bằng và trung thực trong thi đấu. Nhưng những gì chúng ta đã thấy ở đây, đặc biệt là ở Jakarta thật đáng buồn. SEA Games dường như đang bị chi phối bởi các chương trình nghị sự chính trị, chứ không phải là thể thao.

Làm thế nào để có thể giải thích sự thù hận mà người hâm mộ Indonesia đã dành cho các vận động viên Malaysia? Vẫn biết trong quá khứ, hai nước đã có những xung đột lâu dài, nhưng SEA Games không là nơi thể hiện sự giận dữ của những chuyện đã qua.

Yêu nước là cao quý, nhưng thiếu tôn trọng với các quốc gia khác chỉ đơn giản là kinh khủng mà thôi.

Hương Bộc(tổng hợp báo chí Singapore)

Bình luận
vtcnews.vn