Mới đây, tại hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai với các địa phương trong tỉnh (23/8), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các cấp chính quyền không được để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội. Nếu địa phương nào để người dân đói thì người đứng đầu của địa phương đó sẽ bị cách chức và bản thân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng sẽ từ chức.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu như vậy chỉ sau hơn 2 tuần được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai (7/8). Trước đó, ông Lĩnh giữ chức Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Cam kết chính trị của người đứng đầu tỉnh Đồng Nai đã nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của dư luận khi cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh những quyết sách đúng và trúng ở Trung ương, lãnh đạo địa phương cần phát huy cao năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Để dân đói, người đứng đầu không xứng đáng giữ chức
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn (Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cam kết chính trị của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai thể hiện nhận thức về vai trò lãnh đạo trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, đòi hỏi cán bộ, nhất là người đứng đầu phải xác định đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên và tương lai phát triển của địa phương. Nếu để dân đói, cùng cực, hỗn loạn do dịch bệnh bùng phát thì người đứng đầu không xứng đáng giữ chức vụ.
Trong tình hình hiện nay, nhiều địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp để nhanh chóng dập dịch, vì vậy, lời hứa của một Bí thư Tỉnh ủy làm cho người dân tin tưởng và đồng tình thực hiện các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch. Hơn thế nữa, lời hứa của người đứng đầu cấp ủy lan tỏa, truyền cảm hứng cho cấp dưới có thêm động lực cùng thể hiện tinh thần nhân văn và trách nhiệm vì dân.
“Cam kết này không nhằm mục đích tạo tiếng vang cho cá nhân mà đây chính là sự cam kết về trách nhiệm trước dân, về tình yêu thương con người và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin lời hứa đó”.
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn đánh giá như vậy, đồng thời nhấn mạnh tuyên bố của người đứng đầu Tỉnh ủy Đồng Nai “sẽ từ chức nếu để người dân đói trong thời gian giãn cách xã hội” thể hiện văn hóa mới, làn sóng mới trong tư duy làm lãnh đạo mà lâu nay nhiều cán bộ không dễ dàng nói ra được.
Bài học thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, chỉ khi thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, cùng với sự chung sức, đồng lòng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của người dân thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.
Song, để thực hiện tốt yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, người dân cần chính quyền địa phương đảm bảo điều kiện tối thiểu là có chỗ ở, có đồ ăn, nếu mắc bệnh thì được điều trị. Vì vậy, chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch, phương án khẩn cấp để đối phó với các tình huống chưa có tiền lệ nhằm đảm bảo các điều kiện tối thiểu, động viên nhân dân thực hiện tốt các biện pháp chống dịch. Mọi sự lơ là, tắc trách, thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng tiêu cực đến “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 cần phải bị xử lý nghiêm khắc, dù bất cứ cương vị nào.
Tiền lệ tốt trong việc nêu gương
Đánh giá cao bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu, ông Lê Thanh Vân (Đại biểu Quốc hội khóa XV) tin rằng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ thực hiện được cam kết không để người dân đói trong thời gian giãn cách xã hội.
“Đây là tiền lệ tốt trong việc nêu gương, đề cao trách nhiệm cá nhân, dám chịu trách nhiệm, dám từ chức nếu không thực hiện được cam kết của mình” – ông Lê Thanh Vân cho biết.
Theo vị đại biểu Quốc hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường cũng chính là phép thử lớn, là dịp để sát hạch, sàng lọc cán bộ các cấp. Bởi không có cách sàng lọc nào chính xác bằng cách sàng lọc qua kết quả xử lý công việc trong thực tế. Những cán bộ chỉ nói những lời sáo rỗng, không có những giải pháp, hành động cụ thể, những cán bộ chỉ hứa suông, làm không có kết quả thì đợt chống dịch lần này sẽ là một thách thức rất lớn.
“Chống dịch như chống giặc” đòi hỏi sự quyết tâm và bản lĩnh rất lớn của người cán bộ. Nếu cán bộ không tài giỏi, không gần dân, sát dân, không đủ bản lĩnh chính trị thì không thể đưa ra các quyết sách đúng, kịp thời. Vì cùng một chính sách, văn bản chỉ đạo từ Trung ương, nhưng hiệu quả chống dịch ở các cấp, ngành, địa phương lại khác nhau, nguyên nhân là do đối sách, chỉ đạo, điều hành, ứng phó của cán bộ, nhất là người đứng đầu ở địa phương, các cấp ngành đó.
Do vậy, hơn lúc nào hết, người đứng đầu cần thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vai trò lãnh đạo của mình cùng các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện có hiệu quả các biện pháp để sớm đẩy lùi, khống chế dịch bệnh.
Bình luận