Kỳ 2 (kỳ cuối): Đi tìm thủ phạm
Buộc ca nô tại một điểm vỡ của “con đập” chặn nước thải từ bãi rác xả xuống hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội), chúng tôi theo chân anh Chu Trọng Khanh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai, “bắt quả tang” đối tượng xả thải nước bẩn xuống hồ Suối Hai.
Tôi đếm thấy có tới 4 con đập như thế, nhằm chặn dòng nước bẩn từ nhà máy rác xả thải ra, tuy nhiên, tất cả các con đập đều bị vỡ, không ngăn chặn được nước bẩn. Con đập do dân và Xí nghiệp Thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai dựng lên, chặn nước bẩn từ nhà máy rác, cứu hồ, nhưng không có tác dụng gì, bởi nước bẩn dềnh lênh, sẽ phá đập. Một số người còn khẳng định, có kẻ phá đập để... phi tang nước thải.
Phía từ hồ Suối Hai, lên phía thượng nguồn nơi có bãi rác, nước cứ chuyển màu đen đặc dần. Lúc đầu là nước màu vàng nhạt, tiếp đến là vàng đậm, cánh gián, và sát đầu hồ thì đặc như màu cà phê đen, không khí đặc quánh xú uế. Đứng ở ven hồ, còn cách bức tường của khu xử lý rác thải vài trăm mét, song đã có cảm giác ngạt thở vì mùi rác.
Theo anh Khanh, thủ phạm đang ngày đêm “sát hại” hồ Suối Hai là Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) nằm trên địa bàn xã Xuân Sơn và xã Tản Lĩnh. "Nước thải từ bãi rác chắc chắn là không qua xử lý, tống thẳng xuống hồ, mới có màu đen ngòm và lớp bùn đặc sệt như thế này", ông Khanh cho biết.
Men theo dọc bờ ruộng, chúng tôi tiến về phía tường bao khu xử lý rác thải. Tường bao của bãi rác nằm ngay cạnh đầu hồ, là “vùng chết chóc”. Tường bao cao quá đầu người, nhưng dưới chân tường là cái cống to tướng, nước đen ngòm vẫn đang rỉ ra. Các dấu vết cho thấy, nước mới chảy mạnh qua ống cống thốc ra hồ.
Chỉ tay vào ống cống, anh Khanh bảo: “Ban ngày thì chỉ còn nước bẩn ngấm ra, hoặc chảy róc rách nhẹ, chứ cứ đến lúc nửa đêm, khi cả làng đi ngủ, thì họ xả nước ào ào như thác, đứng từ xa vẫn nghe thấy tiếng nước chảy. Chúng tôi quay được nhiều cảnh họ xả nước đen ngòm ra hồ rồi”.
Chẳng thấy bóng người và máy móc gì ở khu xử lý nước thải, chúng tôi vượt tường trèo vào trong. Cống nước ngầm dưới chân tường được nối với con mương lộ thiên. Con mương nhỏ, chạy dọc chân tường, được đào sâu hoắm dẫn chúng tôi vào ao chứa nước thải. Giữa khoảng đất trống nơi tường bao, là một ao thả cá, nước khá sạch. Đây là ao của nhà máy rác. Họ vẫn thả cá bình thường, có vẻ không bị ô nhiễm, vì không có nước thải đổ vào.
Ngay cạnh hồ chứa nước thải là bãi rác khổng lồ, to như quả núi. Có lẽ, nước thải từ núi rác đó từng ngày, từng giờ ngấm xuống cái hồ nhân tạo.
Chỉ tay vào hồ chứa nước thải, ông Khanh bảo: "Nước thải của cả khu xử lý rác được tập trung về đây. Theo quy trình thông thường, thì nước bẩn lưu trữ để lắng, sau đó phải có nhà máy xử lý nước thải, đến khi nước đạt độ sạch theo quy định mới được xả xuống hồ. Thế nhưng, các anh quan sát xem có hệ thống máy móc xử lý nước thải không? Tôi sống ở đây nhiều năm rồi, không thấy có cái nhà máy nào xử lý hồ nước thải này cả. Không biết họ xử lý theo quy trình nào, hay là đợi đêm đến thì tống hết nước bẩn ra hồ Suối Hai? Thủ phạm khiến cả khu vực mặt nước rộng lớn mấy chục héc-ta thành vùng nước chết là đây chứ đâu”.
“Tôi khẳng định, nếu họ cứ tống hết nước bẩn ra hồ, thì chỉ vài năm nữa, toàn bộ 1.200 héc ta mặt nước hồ Suối Hai sẽ ô nhiễm nặng, và chúng ta phải mất cả trăm năm, với cả tỷ đô la mới có thể làm sạch lại được", ông Khanh nhận định.
Cắt ngang cánh đồng lúa ngay mép hồ, bị nước thải từ bãi rác “bức tử”, chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Văn Viên (thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh). Giới thiệu là nhà báo, anh và những người thân trong gia đình không mặn mà lắm. Lý do mà anh nêu ra, là dân đã kêu từ nhiều năm nay, nhưng chẳng ăn thua gì, nên chán không muốn kêu(?!).
Theo lời anh Viên, những gia đình kinh tế khá giả đều tìm cách bỏ đi cả, chỉ còn lại những gia đình khó khăn, không biết đi đâu, cứ bám đất cha ông rồi ngày ngày “thưởng thức” mùi vị khủng khiếp của rác thải.
Đầu năm, khí hậu mát mẻ còn đỡ, đến mùa hè, nóng bức, mùi từ bãi rác, mùi từ vũng nước thải đầu hồ suối Hai bốc lên lại nồng nặc, ngộp thở.
“Đem tất cả người dân chúng tôi đi khám, thì tất cả đều bị các bệnh về hô hấp, mũi họng cả. Đến mùa hè, chúng tôi phải ăn cơm trong màn, chứ bày đồ ăn ra, ruồi bâu như vãi trấu. Nhà nào tổ chức đám xá, phải mua vài kg mắm tôm rồi rắc ra cách chỗ bày cỗ vài chục mét để thu hút hết ruồi muỗi ra đó, kẻo chúng phá đám”, anh Viên chua chát kể.
Video: Bãi rác Xuân Sơn xả thải nước bẩn ra hồ Suối Hai
Nhà ở ngay mép hồ, đối diện cống xả của bãi rác, nên anh Viên nắm rõ "quy trình xả thải" của Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. "Trước đây người ta xả thải ban ngày nhưng bây giờ việc ấy chỉ diễn ra vào ban đêm", ông Viên cho biết.
Anh Viên khẳng định luôn rằng, sống ở đây nhiều năm, nên anh biết rõ, đêm nào họ cũng xả nước bẩn trực tiếp ra hồ. Cả ngàn mét khối nước cứ chảy ào ào từ 10 giờ đêm đến khi nào hết thì thôi. Nhiều hôm trăng sáng, nhìn rõ bọt trắng xóa như xà phòng ở đầu cống xả.
"Nhiều lần bức xúc quá, chúng tôi đã kéo nhau ra miệng cống quay phim, rồi gọi lãnh đạo xã vào lập biên bản. Các cơ quan chức năng cũng về, nhưng rồi chẳng giải quyết được gì. Họ không xả thì chứa nước bẩn ở đâu cho hết? Chúng tôi buộc phải bắt quả tang, phải có biên bản, cho đúng quy trình, để họ đền bù lúa và hoa màu bị chết, chứ nếu không có cái biên bản đó, thì họ chẳng đền, dù rõ ràng, lúa chết hết là do họ xả nước bẩn", ông Viên bức xúc.
Để có chứng cứ rõ mồn một, mấy đêm liền, ông Viên đều dẫn chúng tôi mật phục, ghi lại cảnh cống ngầm xả nước bẩn ra thẳng hồ Suối Hai. Ông Viên thành thạo đến mức biết rõ chỗ nào có camera, và phải đi cách nào để camera không quay thấy cảnh “người lạ” đột nhập vào khu xử lý nước thải để “bắt quả tang”.
“Tổ tiên tôi đã ở bên những con suối tuyệt đẹp, rồi đến đời cha, đời tôi, đời con lớn lên bên hồ Suối Hai trong lành, thơ mộng, cá tôm dồi dào, đầy ắp kỷ niệm. Ấy thế mà, cái nhà máy rác này, đặt ở đây, không khoa học tý nào, sẽ giết chết hồ Suối Hai trong một ngày không xa. Nhìn hồ Suối Hai bị đầu độc, mà tôi như đứt từng khúc ruột” - ông Viên chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Khải nguyên là trưởng thôn Hiệu Lực, mới nghỉ từ cuối năm 2017, liền bỏ nhà ra thôn khác ở để đoạn tuyệt với bãi rác. Ông bảo, bản thân ông, cùng dân làng đã phẫn nộ nhiều năm nay vì bãi rác bốc mùi và giết chết hồ Suối Hai.
Trước đây, dân thôn ông sống bám mặt hồ bằng việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nhưng từ khi nước hồ bị hủy hoại thì việc sống cạnh hồ cũng là… đại họa. "Chúng tôi không biết người ta xử lý nước thải thế nào, nhưng với những gì đang diễn ra thì không thể nói là nước thải ấy đạt tiêu chuẩn", ông Khải nhận định.
"Nếu đủ tiêu chuẩn thì cá tôm phải sống được chứ đằng này có con nào tồn tại ở khu vực ấy đâu. Đến ốc bươu vàng bò vào gặp nước ấy còn bỏ mạng nữa là. Đỉa với rắn thả xuống chết luôn thì rõ ràng là nước quá bẩn. Người dân chúng tôi kêu nhiều lắm nhưng chẳng ăn thua gì", ông Khải buồn bã kể.
Ông Khải với vị trí trưởng thôn, nên rất tích cực cùng bà con đi “bắt quả tang”, rồi gọi xã đến lập biên bản. Nhưng rồi, mọi việc cũng chẳng ra đâu vào đâu, hồ Suối Hai vẫn bị bức tử hàng ngày.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh thừa nhận việc hồ Suối Hai đang bị bức tử, môi trường quanh khu vực bãi rác đang bị ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dân kêu lên xã, xã cũng chỉ biết "kêu" lên cấp trên thôi chứ cũng không thể có giải pháp gì…
Bình luận