• Zalo

Sẽ có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng vào tháng 7

Tin tứcThứ Hai, 05/06/2023 20:10:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cục Quản lý Dược cho biết tháng 7 các nhà sản xuất sẽ cung ứng thuốc cho Việt Nam điều trị bệnh tay chân miệng độ nặng.

Ngày 5/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản thông tin về việc cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng (TCM).

Cụ thể, Cục Quản lý Dược cho hay đã nhận được công văn của Sở Y tế TP.HCM về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh TCM (Immunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình diễn biến phức tạp.

Sẽ có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng vào tháng 7 - 1

Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Sau khi kiểm tra, Cục Quản lý Dược thông tin về tình hình thuốc tại Việt Nam và kế hoạch nhập khẩu, cung ứng hai loại thuốc điều trị.

Thuốc chứa Immunoglobulin: Hiện có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu, thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu còn 2.344 hộp loại 250 ml và 215 hộp loại 50 ml. Dự kiến giữa tháng 8/2023, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250 ml.

Đối với thuốc Human Immunoglobulin 5% do Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, hiện BV Chợ Rẫy còn tồn 300 lọ. Dự kiến cuối tháng 7/2023, nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000 đến 6.000 lọ.

Thuốc Phenobarbital: Hiện có một loại thuốc Phenobarbital do Công ty Cổ phần Dược Danapha sản xuất được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Theo báo cáo của công ty, 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200 mg/ml) sẽ về Việt Nam vào đầu tháng 7/2023.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác cung ứng đủ thuốc cho điều trị, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM nghiêm túc thực hiện đảm bảo cung ứng dịch truyền Albumin và Globulin tránh trường hợp không đủ nguồn cung ứng cho điều trị; Chủ động dự trù, mua sắm, tăng cường nhập khẩu để đảm bảo cung ứng đủ thuốc trong phòng chống một số bệnh có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới như TCM, sốt xuất huyết...

Lâm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn