Manh mún, có hiện tượng độc quyền
Trả lời báo giới nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam đã được áp dụng chủ trương xã hội hóa để thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội. Nhờ vậy, sau 10 năm phát triển, 63 tỉnh, thành phố đều đã có dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình qua Internet IPTV và 100% lãnh thổ Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ truyền hình qua vệ tinh. Bộ TT&TT sẽ sắp xếp lại hệ thống truyền hình trả tiền nhằm từng bước hình thành những doanh nghiệp lớn, có khả năng vươn ra nước ngoài.
Trung bình mỗi hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp từ 50 - 70 kênh chương trình trong và ngoài nước. Có kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, có kênh chương trình quảng bá, có kênh chương trình chuyên biệt. Hầu hết các kênh chương trình truyền hình nước ngoài nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.
Dịch vụ truyền hình trả tiền không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thông tin và giải trí ngày càng đa dạng của người dân mà đã từng bước trở thành ngành kinh tế truyền thông có doanh thu khá cao, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, sự phát triển “nóng” của thị trường truyền hình trả tiền đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, do không được quy hoạch từ đầu nên việc phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền, đặc biệt là truyền hình cáp, còn manh mún, tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu.
"Thị trường truyền hình trả tiền mới tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ; chưa tiếp cận được với người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Giá thành và chất lượng dịch vụ chưa được kiểm soát tốt.
Số lượng kênh nhiều song chất lượng chưa cao, các chương trình mới và hấp dẫn chưa nhiều. Việc xã hội hóa thiếu chọn lọc, có nơi có lúc xảy ra tình trạng khoán trắng dẫn đến tình trạng chất lượng một số chương trình, kênh chương trình kém, hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế rất thấp. Một số doanh nghiệp có hiện tượng độc quyền, tăng giá", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Theo thống kê sơ bộ thì VTV đang chiếm tới 70% thị phần thuê bao truyền hình trả tiền (VCTV khoảng 30% và SCTV là 40%). Về cơ bản chỉ có VTV là đơn vị có vùng phủ lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam, thậm chí có nơi chỉ có duy nhất truyền hình cáp của VTV cung cấp dịch vụ.
Mặc dù có thị phần lớn đến vậy nhưng cung cách phục vụ và chất lượng dịch vụ mà VTV đem tới cho khách hàng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, từ 1/9/2012, giá thuê bao của truyền hình cáp Việt Nam tăng lên mức 110.000 đồng/tháng, cao hơn 25% so với mức cũ 88.000 đồng/tháng.
Đây cũng là dịch vụ mà từ năm 2009 đến nay liên tiếp tăng giá: ban đầu là 44.000 đồng/tivi/tháng, sau tăng lên 65.000 đồng; từ 1/5/2011 tăng lên 88.000 đồng và sau hơn 1 năm, đến 1/9/2012 lại tăng tới 110.000 đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 1 năm rưỡi, VCTV đã tăng giá tới gần 70% (từ 65.000 lên 110.000 đồng) - mức tăng cao hiếm thấy của một loại hình dịch vụ được xem là thiết yếu với cuộc sống của người dân. Bình luận về vấn đề này, Giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội đưa ra nhận xét, việc VCTV liên tục tăng cước như vậy không thể lý giải được ngoại trừ đó là vì... độc quyền!
Cơ cấu lại để có doanh nghiệp truyền hình lớn mạnh
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, để phát huy những mặt tích cực, khắc phục một số bất cập trong quá trình phát triển thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng ký ban hành một số quy hoạch mang tính đồng bộ để phát triển ngành truyền hình nói chung và thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền nói riêng, theo hướng bền vững, công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ cao.
Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ thay thế hoàn toàn hệ thống phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự hiện tại bằng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất vào năm 2020. Khi đó, người dân sẽ được xem các chương trình truyền hình với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn và số lượng các chương trình truyền hình cũng nhiều hơn, đồng thời có thể tích hợp cả dịch vụ phát thanh, truyền hình với các kênh truyền hình độ phân giải cao và nhiều dịch vụ giá trị gia tăng phong phú.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, đối với thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, một trong những định hướng phát triển là sắp xếp lại hệ thống truyền hình trả tiền hiện có, đặc biệt là truyền hình cáp tương tự nhằm khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải; hình thành thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại, có lộ trình chuyển hoàn toàn sang phát thanh, truyền hình số vào năm 2020, nội dung chương trình phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; chất lượng dịch vụ ngày càng cao và giá dịch vụ phù hợp.
"Bộ TT&TT sẽ quản thị trường truyền hình trả tiền để từng bước hình thành những doanh nghiệp lớn, có năng lực, bảo đảm cung cấp dịch vụ chất lượng trên diện rộng và có khả năng vươn ra khu vực và thế giới... Một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ TT&TT xác định để phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền là bên cạnh việc hoàn thiện môi trường pháp lý thì sẽ tăng cường công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra xử phạt sau cấp phép, kiểm soát chất lượng thiết bị", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Theo Bưu điện VN
Bình luận