Theo nhận định của SCMP, mặc dù là một trong những ví dụ điển hình hàng đầu thế giới trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19, song Việt Nam đang phải nỗ lực đối phó với một đại dịch khác đã hoành hành người dân trong nhiều năm - đại dịch karaoke.
“Những tiếng hát karaoke quá ồn ào. Nếu tiếng còi xe máy là bài ca cuộc sống thường ngày tại Việt Nam, thì tiếng hát karaoke là điệp khúc - một cách lộn xộn và lặp đi lặp lại, làm đau đầu những người bị buộc phải nghe”, SCMP cho hay.
SCMP dẫn lời nhiều người dân kể về nỗi khổ khi bất đắc dĩ phải nghe karaoke. Nguyen Minh Giang, nhân viên công ty giày dép 33 tuổi tại TP.HCM, cho biết: “Ban đêm, người bên kia hét, người ở bên này bắt đầu chửi'.
Theo chia sẻ của Nguyen Minh Giang, chuyện hát karaoke trong xóm trọ của cô diễn ra thường xuyên, đến mức giờ đây cô có thể thuộc bài hát và thể loại âm nhạc yêu thích của hàng xóm. Việc hát karaoke diễn ra cả ngày và đêm, thường từ khoảng 14h30 đến 18h các ngày trong tuần và lâu hơn vào cuối tuần.
Nguyen Minh Giang đã phải chịu đựng cảnh tượng này trong hai năm qua. “Nhiều khi họ hát, mở nhạc quá to, tôi không thể nói chuyện với mọi người trong nhà và không thể nghỉ ngơi”, SCMP dẫn lời Nguyen Minh Giang cho hay.
SCMP cũng dẫn lại thông tin một người đàn ông ở Hà Nội bị bắt vào tháng 11 năm ngoái vì dọa ném bom xăng vào nhà hàng xóm thích khoe giọng. Theo SCMP, năm 2019, một người khác ở Huế đâm hàng xóm không chịu vặn nhỏ loa khi hát karaoke.
Hiện nay, Việt Nam áp dụng mức phạt cho hành vi gây ồn từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, khoản phạt này vẫn còn thấp và khó được thực thi một cách triệt để.
SCMP cho rằng, mặc dù tác động cụ thể của tiếng ồn karaoke đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam chưa rõ ràng do thiếu các nghiên cứu về vấn đề này, song ô nhiễm tiếng ồn nói chung được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng ở Việt Nam.
Kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy, có từ 10 đến 15 triệu người ở Việt Nam phải chịu đựng "hung thần karaoke". Trong khi đó, tiếng ồn tại nhiều nơi thuộc 2 TP.HCM và Hà Nội cũng vượt ngưỡng an toàn 70 decibel.
Karaoke bắt nguồn từ Nhật Bản vào những năm 1970 và hiện có thể được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, nhất là tại các nước ở châu Á. Loại hình âm nhạc này được xem là cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình ở Trung Quốc. Tại Nhật Bản, hát karaoke là cách để những phụ nữ lớn tuổi giữ các mối quan hệ xã hội.
Theo SCMP, các bữa tiệc karaoke trở thành những cuộc tấn công âm thanh vào những người khác, kích động các hành vi bạo lực quá khích trong nhiều trường hợp. Điều này khiến nhiều chính trị gia, chuyên gia, người dân tại một số nước Đông Nam Á đã kêu gọi xử lý “đại dịch karaoke”.
Tháng trước, Kelvin Seah Kah Cheng - giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore - đã viết một bài đăng trên website Channel News Asia, kêu gọi người dân vặn nhỏ loa khi hát karaoke ở nhà trong thời gian áp dụng các biện pháp chống dịch bệnh.
Trong một bài đăng trên Facebook vào tháng 9 năm ngoái, Jonvic Remulla - Thống đốc tỉnh Cavite ở Philippines - kêu gọi công chúng cung cấp thông tin về những người hát karaoke gây ồn ào với chính quyền.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về quản lý tiếng ồn, cần phải thực hiện hành động để bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không cần đến các bằng chứng khoa học đầy đủ về ảnh hưởng của nó. WHO cho rằng, tiếng ồn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng về thính lực, rối loạn giấc ngủ, nhiễu giọng nói, hiện tượng stress.
Bình luận