Theo một nguồn tin quân sự của SCMP, các cuộc chạm trán giữa chiến đấu đấu cơ hai nước phản ánh mức độ căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó, tư lệnh lực lượng không quân Thái Bình Dương Mỹ - Đại tướng Kenneth Wilsbach nói gần đây các tiêm kích tàng hình F-35 của nước này đã ít nhất một lần chạm trán với máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Tướng Wilsbach cũng tiết lộ rằng phía Mỹ tỏ ra bất ngờ trước sự xuất hiện của J-20 trong khu vực.
Tướng Wilsbach không đề cập đến thời điểm xảy ra cuộc chạm trán, nhưng nguồn tin của SCMP cho biết các cuộc trạm chán này xảy ra thường xuyên hơn từ nửa cuối năm 2020, khi căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.
Nguồn tin của SCMP cho biết: “Bắc Kinh đã điều máy bay trinh sát điện tử KJ-500 và nhiều máy bay J-20 để thực hiện các cuộc tuần tra tầm xa ở biển Hoa Đông vào tháng 3/2020, khi quân đội Trung Quốc nâng mức cảnh báo chiến đấu để ngăn chặn phía Mỹ tổ chức các cuộc tấn công bất ngờ khi đại dịch COVID-19 hoành hành".
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sau đó đã phủ nhận suy đoán về nguy cơ này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Đại tướng Mark Milley gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc Lý Tác Thành hai lần vào tháng 10/2020 và tháng 1/2021 để xóa bỏ nghi ngờ giữa hai bên.
Trong một cuộc thảo luận trực tuyến với các chuyên gia hàng không quân sự - được đăng trên kênh Youtube của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, ông Wilsbach đã nhấn mạnh quan sát của Không quân Mỹ về “ưu thế trên không” của J-20 trong các cuộc chạm trán.
Nói về vấn đề này tướng Wilsbach cho biết: “Vẫn còn quá sớm để nói chính xác những gì họ dự định làm với J-20, liệu nó có giống F-35 hay không… khi đây là một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không có khả năng tấn công mặt đất.”
Tướng Wilsbach cũng nhấn mạnh “vai trò quan trọng” của máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500 của Trung Quốc, với “khả năng trinh sát tầm xa”.
Cũng theo SCMP, Bộ Tư lệnh chiến khu Đông bộ Trung Quốc bắt đầu biên chế J-20 từ tháng 7/2019. Còn không quân Trung Quốc hiện đã đưa biên chế hơn 50 chiếc J-20, kể từ khi dòng tiêm kích này được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2020.
Dù vậy theo tướng Wilsbach, không quân Mỹ vẫn nắm giữ sức mạnh răn đe và ưu thế trên không ở châu Á - Thái Bình Dương vì Lầu Năm Góc đã triển khai hơn 200 chiếc F-35 đến khu vực.
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh cho rằng quan sát của tướng Wilsbach về các máy bay J-20 và KJ-500 cho thấy không quân Mỹ đã đụng độ với các chiến đấu cơ Trung Quốc nhiều lần.
Ông Zhou nói: “Vai trò quan trọng trong hoạt động chung của các máy bay J-20 và KJ-500 là ngăn chặn không quân Mỹ tiếp cận biển Hoa Đông" trong trường hợp xảy ra căng thẳng liên quan đến Đài Loan.
Bình luận