"Sau khi xem xét kỹ lưỡng tất cả các lựa chọn hiện có, tôi quyết định mua máy bay F-35 để thay thế cho Tornado trong vai trò chia sẻ năng lực răn đe hạt nhân", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay.
Đức hiện sử dụng dòng máy bay kiêm kích duy nhất là Tornado - có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trong kịch bản xung đột bùng phát.
Lực lượng không quân Đức đã sử dụng tiêm kích Tornado từ những năm 1980 và Berlin đang có kế hoạch loại bỏ dòng máy bay này trong giai đoạn 2025 - 2030.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho rằng, việc mua tiêm kích F-35 mang lại cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Đức với đồng minh NATO và các đối tác châu Âu khác. Ông nhấn mạnh, trên thực tế, nhiều quốc gia khác đã đặt hàng dòng máy bay phản lực tàng hình do Lockheed Martin sản xuất.
Bên cạnh đó, Đức dự kiến mua thêm 15 tiêm kích Eurofighter do Airbus sản xuất để phục vụ tác chiến điện tử. Chức năng này cho dòng Eurofighter trên thực tế vẫn chưa được hãng phát triển.
Việc Đức mua F-35 được xem là đòn giáng mạnh cho dòng máy bay của Boeing. Bộ Quốc phòng Đức dưới thời cựu bộ trưởng Annegret Kramp-Karrenbauer từng dự tính mua tiêm kích F-18 của Boeing thay vì F-35 của Lockheed Martin.
Kế hoạch đặt mua F-35 của Đức có thể ảnh hưởng tốc độ hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ mới giữa Pháp và Đức, dự kiến hoàn thiện trong thập niên 2040.
Động thái này dường như là một phần của sự thay đổi mang tính kiến tạo trong chính sách an ninh của Đức, bao gồm cam kết đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng lên mức 2% của NATO. Giới lãnh đạo Mỹ trong nhiều năm liền bày tỏ không hài lòng với mức đóng góp của Đức cho năng lực phòng thủ chung.
Bình luận