Phát biểu sau một cuộc họp bộ trưởng ngoại giao NATO ở Brussels, Bỉ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 4/12 nói NATO cho Nga cơ hội cuối cùng để cứu Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Trong cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ sẵn sàng rút khỏi hiệp định nếu các yêu cầu không được Nga đáp ứng trong vòng 60 ngày.
“Hiện tại Nga có cơ hội cuối cùng để tuân thủ INF, nhưng chúng tôi phải bắt đầu chuẩn bị cho một kịch bản không có hiệp ước.” – ông Stoltenberg nói, bổ sung thêm tất cả các thành viên NATO đều đồng ý rằng Mỹ tuân thủ hiệp định còn Nga thì không.
“Chúng tôi kêu gọi Nga nhanh chóng quay về tuân thủ đầy đủ những quy định của INF. Tất cả các tên lửa đều nguy hiểm nhưng những tên lửa này đặc biệt nguy hiểm bởi chúng khó phát hiện, di động, có khả năng hạt nhân, có thể rút ngắn thời hạn cảnh báo, tiếp cận các thành phố châu Âu và khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột dễ dàng hơn.” – nhà ngoại giao NATO nói.
Theo ông, bảo vệ thỏa thuận INF như thế nào là phụ thuộc vào Nga, Nga có cơ hội cuối cùng để chứng tỏ bằng một cách xác nhận được rằng đã và đang tuân thủ thỏa thuận. Bên cạnh đó, các đồng minh NATO đều đã có phương án ứng phó.
Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận INF vì Nga vi phạm các điều khoản. Các nhà phê bình cho rằng động thái này nếu được thực hiện sẽ khiến Mỹ bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới khó kiểm soát với Nga.
Hiệp định INF ký ngày 8/12 /1987 và có hiệu lực ngày 1/6/1988. Thỏa thuận loại bỏ tất cả tên lửa thường và hạt nhân phóng từ mặt đất cùng thiết bị phóng với tầm bắn ngắn (500-1.000 km) và trung (1.000-5.500 km). Trong những năm gần đây, Washington liên tục cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận. Matxcơva liên quyết phủ nhận các cáo buộc và cho rằng Mỹ mới là bên không tuân thủ thỏa thuận.
Bình luận