Tại Pháp, Bộ Giao thông cảnh báo hệ thống cầu, đường của nước này đang ở trong “tình trạng nguy kịch” sau một đợt rà soát cho thấy một phần ba trong số 12.000 cầu đường cần sửa chữa và 841 cầu đường xuống cấp.
“Trong số 12.000 cầu trong mạng lưới, một phần ba cần sửa chữa, thường là những sửa chữa nhỏ để ngăn chặn các cấu trúc bị xuống cấp. Bên cạnh đó 7% trong số các trường hợp này bị hư hỏng nghiêm trọng hơn, dẫn đến nguy cơ đổ sập” – nghiên cứu cho biết.
Bộ trưởng giao thông Pháp cho biết sẽ đưa ra luật mới vào tháng 9 để rà soát lại các cơ sở hạ tầng ở nước này. Một kế hoạch trị giá 1 tỷ euro cũng được đề xuất để bảo vệ mạng lưới đường bộ và thực hiện sửa chữa khẩn cấp.
Tại Đức, một báo cáo năm 2017 cho thấy 12,4% các cây cầu nước này ở trong tình trạng tồi tệ, 12,5% được xem là tốt. Nhiều cây cầu được xây dựng từ những năm 1960-1970 và không được thiết kế để phục vụ lưu lượng phương tiện trọng tải nặng như ngày nay.
Tại Hà Lan, có những lo ngại về tình trạng cầu đường được bảo trì bởi chính quyền địa phương so với những công trình do chính quyền trung ương kiểm soát.
Giới chức Bulgari ngày 16/8 thông báo kế hoạch cải tổ hơn 200 cây cầu, phần lớn đã được xây dựng từ 35-40 năm trước và đều ở trong tình trạng xuống cấp.
Tại Italia, khoảng 300 cầu đang có nguy cơ hư hỏng, bao gồm một cây cầu gần Agrigento, Sicily – được thiết kế bởi cùng một kỹ sư với cây cầu vừa bị sập. Các cơ quan chức năng ở Sicily đã đóng cửa công trình này do những hư hỏng cấu trúc trong phần trụ cầu.
Công tố viên trưởng Genoa ngày 16/8 cho biết có thể còn 20 người mất tích bên dưới đống đổ nát từ cây cầu bị sập. Cổ phiếu của công ty Autostrade per l’Italia, nhà vận hành cây cầu này sụt giảm mạnh mẽ tại sàn chứng khoán Milan ngày 17/8 sau khi chính phủ Italia nói sẽ thực hiện các bước cần thiết để thu hồi giấy phép của công ty.
Video: Thảm kịch sập cầu đường bộ ở Italia, 39 người chết
Bình luận