• Zalo

Sau sốt xuất huyết, người Hà Nội khốn khổ bị kiến ba khoang tấn công

Tin tứcThứ Sáu, 03/11/2023 16:41:57 +07:00Google News
(VTC News) -

Vài tuần trở lại đây, các bác sĩ da liễu ở Hà Nội liên tiếp nhận những trường hợp bị kiến ba khoang đốt đau rát, "cháy da".

Tỉnh dậy vào buổi sáng, anh Nguyễn Quốc Tiến, 25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội thấy gần mắt và cổ bị sưng rát, nghĩ bị zona thần kinh. Sau thăm khám bác sĩ kết luận tổn thương do côn trùng.

Ra quầy thuốc gần nhà, anh được dược sĩ kê cho tuýp thuốc bôi ngoài da điều trị zona thần kinh. Tuy nhiên, sau khi bôi loại thuốc này, anh không những không đỡ mà còn tiến triển nặng hơn. 

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành thăm khám cho bệnh nhân.

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành thăm khám cho bệnh nhân.

Đến bác sĩ thăm khám, nam thanh niên được kết luận bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. “Tôi cứ nghĩ chỉ nhà mặt đất mới có kiến ba khoang, thật không ngờ ở chung cư cao tầng cũng bị côn trùng này tấn công”, anh Tiến nói.

Cùng cảnh ngộ với anh Tiến là chị Lê Thị Hoài (40 tuổi ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) bế con 2 tuổi đến khám da liễu. Theo lời chị, dù “kín cổng cao tường”, đóng tất cả cửa sổ, cửa ra vào khi thấy kiến ba khoang xuất hiện ở khu nhà, nhưng các thành viên trong gia đình vẫn bị kiến ba khoang đốt.

Chị Hoài bị một vệt dài đỏ mọng từ cằm xuống cổ, con gái thứ hai bị đốt khiến đùi sưng phồng, nổi mẩn đỏ dày đặc.

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, vài tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng mạnh. Trường hợp nhẹ chỉ gặp tổn thương khu trú ở vùng da nhỏ, còn nặng sẽ gây ra tổn thương vùng rộng, khu vực tổn thương đau rát, lở loét nặng nề.

Đáng chú ý, nhiều người trước đó chẩn đoán nhầm thành bệnh zona dẫn đến điều trị sai cách. Nhiều người sai lầm khi coi viêm da tiếp xúc là bệnh zona, điều trị sai cách bằng acyclovir. Một số người còn dùng các loại lá cây để đắp, bôi khiến tổn thương lan rộng hơn.

Theo bác sĩ Thành, thời gian này trong năm, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều do vào mùa sinh sản. Không chỉ có nhà mặt đất mà ngay cả người dân sống trong các căn hộ chung cư cũng không được chủ quan với loài côn trùng này. “Tôi từng tiếp nhận các bệnh nhân ở căn hộ tầng 10 thậm chí cao hơn”, bác sĩ Thành nói.

Độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh. Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát, hay bị giết. Chúng giải phóng dịch lỏng coelomic chứa paederin - hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh.

Kiến ba khoang sống trong môi trường tự nhiên sẽ bị hấp dẫn bởi ánh điện vào ban đêm và vào nhà. Để tránh kiến ba khoang, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí (nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng) khi thắp đèn, ngủ trong màn.

Người dân cũng thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Điều quan trọng là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập, mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì bạn cần nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó bạn cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn