Ngay sau khi xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) hôm 24/11, hiện tượng mây thấu kính với hình thù độc đáo, dạng chiếc nón khổng lồ hay "đĩa bay" tiếp tục xuất hiện tại đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) - "nóc nhà" Đồng Nai. Đám mây này xuất hiện rõ nét nhất từ 6h20 - 7h20 sáng.
Anh Nguyễn Hậu (Xuân Lộc, Đồng Nai), một người dân địa phương chuyên hướng dẫn leo núi Chứa Chan chia sẻ: "Tôi đã chứng kiến rất nhiều biển mây tại núi Chứa Chan nhưng chưa từng gặp hiện tượng mây độc đáo như thế này. Hôm qua tôi vô cùng thích thú với cảnh mây bao quanh núi Bà Đen và hôm nay tận mắt chứng kiến ở ngọn núi quê hương thì càng sung sướng hơn. Thiên nhiên có nhiều điều thật quá đỗi bất ngờ".
Hình ảnh do anh Hậu ghi lại lúc 6h30 sáng. (Ảnh: Nguyễn Hậu)
Anh Nguyễn Văn Trung, một người dân địa phương khác cũng may mắn chiêm ngưỡng mây thấu kính xuất hiện trên đỉnh Chứa Chan. "Khung cảnh như một bức tranh, phong cảnh núi, hồ hòa quyện với mây trời", anh Trung cho biết.
Anh Nguyễn Đức Tân - Admin một Fanpage về Xuân Lộc cho biết, trong ít giờ sáng nay, rất đông người dân đã chụp được khoảnh khắc mây "đĩa bay" trên đỉnh Chứa Chan và gửi về chia sẻ.
"Sau khi nhận được thông tin, mình cũng sử dụng flycam để chụp hình. Thật tiếc khi lúc ấy là 8h nên mây dần tan rồi! Thỉnh thoảng, mình cũng chứng kiến biển mây bao quanh núi nhưng đây là lần đầu thấy đám mây to, tròn, tạo hình ấn tượng như thế này", anh Tân cho hay.
Ngọn núi Chứa Chan nằm cách TP HCM khoảng 110km, cao 837m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao nhất ở Đồng Nai, cao thứ hai ở Đông Nam Bộ, sau núi Bà Đen (986m, Tây Ninh). Những năm gần đây, nhiều khách du lịch ưa thích trải nghiệm leo núi Chứa Chan. Đoạn đường leo núi khá cheo leo với nhiều hốc đá lớn, rừng rậm, yêu cầu người khám phá phải có kinh nghiệm. Lưng chừng núi là các ngôi chùa được xây bên những vách đá lớn.
Sau khoảng 2 giờ leo núi, du khách đến cột mốc cao nhất núi Chứa Chan. Năm 2012, điểm đến này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Hiện tượng xuất hiện tại núi Chứa Chan tương tự như tại núi Bà Đen ngày 24/11. Một số chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, hiện tượng này được gọi là mây thấu kính. Đây là loại mây hiếm gặp, được hình thành ở tầng đối lưu và cực kỳ đặc biệt. Chúng được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau.
(Ảnh: Người Xuân Lộc)
Điều đặc biệt của nó là dù gió mạnh cỡ vừa nó cũng không bị vỡ cấu trúc hoặc bị tan. Nó chỉ tan khi có đám mây khác lớn hơn xâm lấn đến hoặc hơi ẩm tại chỗ ngưng bốc hơi, ngưng cấp năng lượng cho nó.
Bình luận