Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản bay vào quỹ đạo và tách thành công khỏi tên lửa đẩy Epsilon số 4 ngày 18/1. Sau 3 ngày làm việc trong không gian, vệ tinh MicroDragon nhiều lần liên lạc với trạm mặt đất theo đúng kế hoạch.
Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, sau MicroDragon, vệ tinh NanoDragon đang được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC. Vệ tinh này dự kiến được phóng lên vũ trụ vào năm 2020 hoặc 2021, phụ thuộc vào lịch phóng tên lửa của Nhật.
NanoDragon trọng lượng dưới 10kg, có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng vệ tinh nano. Đây là sản phẩm của Đề tài Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano thuộc Chương trình KH-CN cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020.
Theo lộ trình phát triển vệ tinh, sau NanoDragon, Việt Nam tiếp tục chế tạo các vệ tinh Lotusat-1 và Lotusat-2 với khối lượng 500 kg. Nếu hoàn thành lộ trình thì Việt Nam sẽ thuộc nhóm nước đứng đầu khu vực về lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Trước đó, tháng 8/2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) bay vào vũ trụ trên tàu vận tải HTV4 từ bệ phóng Yoshinobu ở Trung tâm Vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản. Vệ tinh được chế tạo với mục tiêu phục vụ đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từng bước tiếp cận quy trình thiết kế, chế tạo, tích hợp, và thử nghiệm vệ tinh.
(Video: Mô phỏng quá trình đưa vệ tinh 'made by Vietnam' vào vũ trụ)
Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Chương trình phát triển vũ trụ được nhà nước đầu tư nhằm xây dựng cơ sở để nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ, đào tạo chuyên gia, kỹ sư và việc phóng vệ tinh là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình.
Trong Chiến lược phát triển khoa học vũ trụ giai đoạn 2011-2020 do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện có nhiệm vụ đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển về vũ trụ, về viễn thám cho Việt Nam.
"Sự kiện phóng thành công tên lửa mang theo vệ tinh này cho thấy, khi Việt Nam phối hợp với các quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ vũ trụ thì chúng ta đang từng bước làm chủ, học hỏi và tiến tới là tự phát triển vệ tinh của riêng mình", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Bình luận