Kể từ đầu năm 2024 đến nay, bất động sản Hà Nội liên tục sốt nóng ở hầu hết các phân khúc khi liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Hiện tượng “sốt” không chỉ diễn ra ở khu vực trung tâm mà ngay các thị trường quận, huyện vùng ven cũng tăng mạnh. Đất đấu giá tại các huyện ven liên tục tạo kỷ lục mới về giá trúng, đẩy giá đất khu vực xung quanh tăng cao.
Ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản SGO Homes nhận định, khi giá nhà đất Hà Nội tăng cao thì nhu cầu đầu tư sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.
Hiện nay, các khách hàng có trong tay 5-10 tỷ đồng gần như không còn cơ hội để đầu tư tại thị trường Hà Nội.
Theo quan sát của ông, từ tháng 5 trở đi xu hướng dòng tiền là “chảy” vào các tỉnh ven đô Hà Nội như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… Với thị trường tỉnh, ông Chung nhìn nhận đất nền sẽ hồi phục trở lại vì xét cho cùng đây vẫn thuộc khẩu vị chung của thị trường.
Với sự dịch chuyển ra ven đô, nguồn cung bất động sản tại các khu vực này sẽ trở nên đa dạng hơn, từ đất nền, căn hộ đến các dự án nhà ở liền kề và biệt thự. Điều này giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn và phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường.
Mặc dù có sự dịch chuyển đầu tư, giá bất động sản tại các khu vực ven đô dự kiến sẽ tăng nhưng vẫn duy trì ở mức hợp lý so với các khu vực trung tâm. Sự ổn định này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
"Sự dịch chuyển đầu tư ra khu vực ven đô vào nửa cuối năm 2024 là một xu hướng tất yếu do các yếu tố về giá cả, quy định pháp luật và sự phát triển cơ sở hạ tầng. Các khu vực ven đô có tiềm năng phát triển bền vững hơn nhờ vào việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị bất động sản mà còn cải thiện chất lượng sống của cư dân", ông Chung chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản BHS cũng cho rằng, thời gian qua, giá nhà đất tại Hà Nội tăng quá mạnh do dòng tiền đang tập trung quá lớn vào nội đô, chưa đổ ra ngoài.
Cũng theo ông Nga, cuộc chơi tại Hà Nội sẽ rất khốc liệt với các nhà đầu tư và chỉ dành cho các nhà đầu tư tay to, có ngân sách đầu tư từ 15 tỷ trở lên. Các nhà đầu tư ngân sách nhỏ hơn sẽ tìm cách dịch chuyển sớm ra các tỉnh thành khác, vùng đất khác. Vì vậy sớm muộn, dòng tiền sẽ chạy ra ngoài Hà Nội, có thể cuối năm 2024 hoặc đầu 2025. Đây cũng là điều đã xảy ra tương tự ở các chu kỳ bất động sản trước đó.
Ông Nga cũng nhìn nhận sự dịch chuyển của dòng tiền sẽ giúp các dự án bất động sản ở địa phương khác thi công, hoàn thiện, tạo cơ sở hạ tầng cho các vùng đất mới, qua đó giúp kinh tế địa phương phát triển.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cũng cho rằng, giá bất động sản Hà Nội leo thang đã khiến nhiều nhà đầu tư và người mua chuyển hướng tìm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.
Đây là những khu vực đang có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ, du lịch cùng hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Với mức giá còn hợp lý, các tỉnh lân cận này không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống và làm việc ngay tại địa phương, thay vì phải chịu áp lực chi phí sinh hoạt cao ở Hà Nội.
Điều này cũng góp phần hình thành các đô thị vệ tinh, tạo ra một xu hướng sống và làm việc mới: Người dân không còn quá phụ thuộc vào Hà Nội, mà có thể an cư lạc nghiệp ở những nơi có điều kiện sống tốt và tiềm năng phát triển nghề nghiệp tương đương.
Tuy nhiên, theo ông Huy, dù có nhiều tiềm năng, nhưng khi đầu tư vào khu vực này, các nhà đầu tư cần lưu ý tìm hiểu về hạ tầng, quy hoạch và các khía cạnh pháp lý của địa phương. Hạ tầng đồng bộ và quy hoạch ổn định sẽ giúp đảm bảo giá trị bất động sản tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, tránh đầu cơ vào những khu vực có dấu hiệu tăng giá quá nhanh. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thanh khoản mà còn đảm bảo an toàn tài chính.
Nhà đầu tư cũng cần chọn thời điểm đầu tư hợp lý, tránh những biến động không lường trước của thị trường.
"Nên lựa chọn các dự án được pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín, và hạ tầng tiện ích đầy đủ như công viên, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp tăng cường tiềm năng sinh lời và giá trị an cư lâu dài. Trong trường hợp sử dụng vốn vay, cần đảm bảo tỷ lệ vay không vượt quá 50% thu nhập, nhằm tránh áp lực tài chính và rủi ro trong trường hợp kinh tế biến động", ông Huy đưa ra lời khuyên.
Bình luận