COVID-19 là một loại virus mới chưa có chủng ngừa nên đã gây ra hậu quả vô cùng lớn với hơn 303 nghìn người tử vong trên toàn thế giới chỉ sau 5 tháng (tính đến ngày 15/5/2020)
Chính vì thế, khi dịch bệnh trong nước đã được khống chế thì một trong các ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ là đưa con đi tiêm chủng. ThS.BS Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên Vắc-xin (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích.
- Xin bác sĩ chia sẻ về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp hiện nay?
Dịch COVID-19 đã tạm thời lắng xuống tại Việt Nam nhưng vẫn còn rất phức tạp và khó lường ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi hi vọng sẽ được dịch bệnh này sẽ sớm được đẩy lùi trong tương lai không xa cũng như sẽ sớm ra đời vắc-xin phòng ngừa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta đều hiểu rằng còn rất nhiều dịch bệnh khác cũng có khả năng gây tử vong với số lượng không kém nếu không được tiêm chủng đầy đủ như sởi, cúm, ho gà, viêm não, viêm màng não…. Đơn giản như cúm mùa cũng có khả năng gây thành đại dịch, với 500-800 triệu ca mắc và tử vong 250.000-500.000 ca mỗi năm.
Trong thời gian cách ly xã hội vừa qua, nhiều trường hợp hoãn lại lịch tiêm, hay các gia đình chủ trương không cho trẻ tiêm bất kì vắc xin gì. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể bùng phát dịch bệnh. Do đó, bên cạnh việc cảnh giác với COVID-19, chúng ta vẫn nên có kế hoạch tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh khác. Cha mẹ cần đưa con đi tiêm các loại vắc xin theo đúng độ tuổi, đặc biệt là các vắc xin phòng sởi, sởi –quai bị - rubella, thủy đậu, bạch hầu – ho gà – uốn ván, cúm, phế cầu, các bệnh truyền nhiễm khác được khuyến cáo cho trẻ theo lứa tuổi như viêm não, viêm màng não….
Trong dịch COVID-19, tỉ lệ nhiễm ở trẻ em khá thấp so với người lớn. Có liên quan nào với việc trẻ đang ở độ tuổi được tiêm chủng thường xuyên không, thưa bác sĩ?
Nghiên cứu chưa đầy đủ cho thấy, không phải riêng COVID-19 mà cả virus gây nên dịch MERS và dịch SARS cũng không tấn công mạnh vào trẻ em. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng nhưng cách giải thích hiện nay được công nhận là trẻ em được bảo vệ bằng 2 mũi vắc xin sởi và thủy đậu có phản ứng chéo với virus SARS CoV 2.
Điều này được chứng minh qua 2 đợt dịch trước là SARS & MERS và dịch COVID-19 lần này. Như vậy, trong lúc vắc xin COVID-19 cũng như nghiên cứu về bảo vệ chéo khác đang thực hiện thì thì người lớn nên đi tiêm vắc xin phòng sởi - quai bị - rubella và Thủy đậu như trẻ em để hi vọng có khả năng bảo vệ chéo. Ngoài ra, một số nước tiêm vắc xin lao cũng ghi nhận tỉ lệ mắc COVID-19 thấp và nặng ca ít hơn. Chưa có bằng chứng vắc xin phòng lao có thể tránh được COVID-19 nhưng đây cũng có thể là một giả thuyết có căn cứ.
Do vậy, trong giai đoạn như hiện nay thì cùng với trẻ em, nhiều người lớn vẫn nên đi tiêm chủng do họ có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài xã hội, hoặc có mắc bệnh nhưng không biết vì các triệu chứng bệnh thể hiện không rõ. Họ chính là trung gian truyền bệnh cho trẻ em - đặc biệt là trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh chưa đến độ tuổi tiêm phòng.
- Vậy theo bác sĩ, người lớn nên tiêm vắc xin nào trong lúc này?
Trong tình hình hiện nay nên ưu tiên vắc xin cúm tiêm hàng năm và vắc xin phòng Phế cầu, tiêm 1 mũi duy nhất cho người lớn. Đặc biệt, người trên 65 tuổi, có bệnh lí hô hấp như COPD, hen phế quản, bệnh lí mạn tính như tiểu đường… cần tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu.
Tiếp theo là vắc xin phòng thủy đậu, sởi –quai bị - rubella. Nếu chưa từng bị bệnh hoặc chưa tiêm đủ liều thì chắc chắn sẽ bị nhiễm nếu tiếp xúc với người mang virus. Đây cũng chính là 2 loại vắc xin cùng với vắc xin phòng cúm, phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai để bảo vệ người mẹ và tránh dị tật thai nhi. Vì thế, thời gian qua, một số tổ chức đã tiêm phòng cúm và thủy đậu, sởi –quai bị - rubella cho cán bộ nhân viên để tạo miễn dịch trong gia đình và công sở/tập thể.
Vắc xin phòng Bạch hầu - uốn ván - ho gà cũng là một trong những vắc xin được khuyến cáo tiêm nhắc lại cho người lớn, người già để bảo vệ cơ thể đặc biệt là phòng ho gà tốt hơn. Vắc xin này cũng có thể được tiêm phòng cho phụ nữ mang thai từ 27 - dưới 35 tuần để phòng ho gà sớm cho trẻ sơ sinh.
- Để đạt được mục tiêu phòng bệnh trong thời gian ngắn, bác sĩ có thể chia sẻ thêm có thể kết hợp tiêm 2 mũi trong 1 lần hay không?
Để đảm bảo sinh kháng thể tối đa, tạo miễn dịch hiệu quả, cần tiêm vắc xin đúng lịch và đủ liều. Sự kết hợp 2 mũi tiêm trong 1 lần hoàn toàn có thể thực hiện nếu 2 loại vắc-xin đó không bị chống chỉ định kết hợp với nhau. Việc tiêm quá nhiều mũi tiêm trong 1 lần cũng hạn chế, để tránh sự cố có phản ứng nặng sẽ không thể xác định là vắc xin gì và mất đi cơ hội được tiêm tiếp những vắc xin này sau đó.
Mặc dù vậy, vẫn có thể kết hợp 2 vắc xin cùng 1 ngày tiêm đối với những đối tượng đã đến thời điểm tiêm nhiều loại vắc xin mà chưa được tiêm, tùy theo tình trạng sức khỏe và khả năng gây phản ứng của từng vắc xin. Và để tiêm chủng được an toàn thì mọi đối tượng tiêm chủng cần được khám sàng lọc trước tiêm, hướng dẫn theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm.
Dù có tiêm kết hợp hay không thì quan trọng nhất vẫn tiêm đúng lịch, đủ liều và lựa chọn được cơ sở tiêm chủng có nguồn vắc xin đảm bảo chất lượng, thực hành tiêm chủng tốt, có hệ thống theo dõi, cấp cứu đề phòng tai biến sau tiêm chủng.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Trung tâm Vắc-xin Vinmec sử dụng nguồn vắc xin chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng. Tất cả khách hàng được khám sàng lọc để đảm bảo sức khỏe trước khi tiêm và được theo dõi, đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
Tại Trung tâm vắc xin, các bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, hiểu tâm lý trẻ, sẵn sàng tư vấn kỹ càng, giúp cha mẹ có thêm hiểu biết trong tiêm chủng cũng như chăm sóc sức khỏe cho con. Phòng tiêm chủng được bố trí theo luồng đi một chiều, hạn chế tiếp xúc lây nhiễm chéo và có khu chơi tại các khu vực chờ khám, khu vực theo dõi 30 phút sau tiêm, giúp trẻ có cảm giác thoải mái cũng như có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
Bình luận