Cổ phiếu của Vietnam Airlines đã có một màn ra mắt ấn tượng khi tăng tới 40% trong ngày đầu ra mắt, 3/11, đưa giá trị của hãng đạt 2,11 tỷ USD.
Theo đó, cổ phiếu HVN của hãng đạt 39.200 đồng trên thị trường UPCoM (sàn giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết) với giá tham chiếu vào lúc mở cửa giao dịch là 28.000 đồng.
Dữ liệu thị trường cho thấy, có tổng số gần 1,3 tỷ cổ phiếu mã số HVN được rao bán. Theo thống kê, trong 3/11 đã có 27,4 triệu đơn vị được giao dịch khớp lệnh.
Tuy nhiên, sau khởi đầu như mơ, cổ phiếu Vietnam Airlines đang có dấu hiệu chững lại và liên tục sụt giảm giá trị.
Video: Máy bay đi Hà Nội hạ cánh ở Lào: Vietnam Airlines nói gì?
Chốt phiên giao dịch gần nhất, 11/4, cổ phiếu Vietnam Airlines tiếp tục giảm điểm, giá giao dịch đóng cửa là 25.500 đồng, giảm 900 đồng so phiên trước đó. Đây là phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của HVN kể từ 4/4 và là phiên giảm 11 kể từ 27/3.
Tính từ 27/3, phiên tăng điểm duy nhất của Vietnam Airlines là 3/4, tăng 1.100 đồng, từ 27.870 đồng/CP lên 29.000 đồng/CP.
Nguyên nhân tăng điểm của HVN được cho là liên quan đến sự kiện hãng này đề xuất áp giá sàn vé máy bay cho các chặng bay nội địa.
Theo đó, trên cơ sở phân tích chi phí của một chuyến bay, Vietnam Airlines đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất (sàn) cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất (trần) là 4,2 triệu đồng.
Vietnam Airlines tính toán nếu tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn như đề nghị thì ước tính doanh thu sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện.
Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, hãng hàng không quốc gia cũng cho hay, đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa, bao gồm 2 dải cho hạng thương gia và 11 dải cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau.
Ví dụ, chặng bay Hà Nội – TP.HCM hạng phổ thông giá cao nhất (hạng M) được áp dụng là 3,15 triệu đồng (khoảng 98% so với giá trần), thấp nhất hạng E là 1,15 triệu, hạng P là 800.000 đồng (khoảng 25% so với giá trần).
Đề xuất của Vietnam Airlines ngay lập tức tác động tích cực đến thị trường, đẩy giá cổ phiếu HVN từ 28.200 đồng/CP lên 29.000 đồng/CP.
Nhưng thông tin áp giá sàn cũng không thể cứu giá cổ phiếu Vietnam Airlines được lâu. Liền ngay sau phiên bất ngờ tăng điểm, cổ phiếu HVN đã liên tiếp giảm điểm ở 5 phiên liên tiếp.
Cụ thể, phiên 4/4, cổ phiếu HVN giảm còn 28.200 đồng/CP, phiên 5/4 giảm còn 28.100 đồng/CP, phiên 7/4 giảm còn 27.300 đồng/CP, phiên 10/4 giảm còn 26.100 đồng/CP, hôm 11/4 giảm còn 25.500 đồng/CP.
Việc sụt giảm giá trị cổ phiếu HVN những ngày qua đã gây thiệt hại trực tiếp cho những nhà đầu tư đã đổ tiền mua cổ phiếu hãng này.
Theo các chuyên gia, việc sụt giảm giá trị cổ phiếu HVN những ngày qua xuất phát từ nỗi lo về thị phần và lợi nhuận của công ty hàng không hàng đầu Việt Nam này đang giảm sút.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Vietnam Airlines, hãng đang lỗ đậm, tới 443,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, về hiệu suất kinh doanh, Vietnam Airlines cũng chỉ đạt 1.657 tỷ đồng lợi nhuận gộp quý IV/2016, bằng 15% lợi nhuận gộp cả năm 2016, đạt 10.842 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho hay, nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận gộp là do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của hãng tăng vọt lên mức 90,1%, cao nhất trong 8 quý gần đây. Con số 90,1% này được lý giải do giá nhiên liệu tăng cao, khoảng 17%, cộng hưởng hiệu suất kinh doanh của hãng thấp hơn 3 quý trước đó.
Bên cạnh yếu tố giá vốn, chi phí thường xuyên cũng đang là vấn đề với Vietnam Airlines. Năm 2016, Vietnam Airlines chi tới 4.456 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, 2.246 tỷ đồng cho quản lý doanh nghiệp, 1.365 tỷ đồng chi phí lãi vay. Như vậy, trung bình mỗi quý, Vietnam Airlines chi cho bán hàng là 1.114 tỷ đồng, cho quản lý doanh nghiệp là 561 tỷ đồng và chi cho lãi vay là 341 tỷ đồng.
Gần nhất, theo số liệu từ phương án tính giá trần và giá sàn được Vietnam Airlines gửi tới Bộ Giao thông Vận tải, hãng đang thua lỗ trên nhiều chặng bay.
Cụ thể, tại các chặng bay nội địa dưới 500km sử dụng máy bay A321, thống kê cho thấy Vietnam Airlines lỗ 18 chuyến bay trên tổng số 26 chuyến.
Trong đó, 2 chuyến bay Đà Nẵng đi Vinh và Vinh đi Đà Nẵng đang lỗ nặng nhất, 1 chiều lỗ 93 triệu đồng và 1 chiều lỗ gần 86 triệu đồng.
Theo Vietnam Airlines, doanh thu mỗi chuyến tại chặng này chưa tới 40 triệu đồng do lượng hành khách quá thấp, trong khi chi phí mỗi chiều hơn 120 triệu đồng, riêng chi phí nhiên liệu bay đã hơn 50 triệu đồng/chuyến, chi phí thiết bị bay 31 triệu đồng.
Chuyến bay đi và đến Pleiku theo thống kê cũng đang lỗ nặng, cụ thể là Đà Nẵng - Pleiku (227km) và Sài Gòn - Pleiku (383km). Đáng chú ý, chặng bay Sài Gòn - Pleiku có tỷ lệ khách rất cao, chiều đi có 150/168 khách và chiều về 148/168 khách, tương ứng tỷ lệ lấp đầy gần 90% nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ nặng.
Dù công bố lợi nhuận trước thuế 2016 đạt mức cao kỷ lục, tới 2,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 140% so với năm trước và vượt 7% so với dự kiến tuy nhiên Vietnam Airlines đang thua xa Vietjet – đối thủ cạnh tranh trực tiếp về lợi nhuận sau thuế.
Bình luận