Ghi nhận của hệ thống quan trắc chất lượng không khí AirVisual 7h sáng 3/10, chỉ số AQI của Hà Nội giảm xuống còn 159. Trên bảng trung bình chất lượng không khí, mức độ ô nhiễm của thủ đô cũng xếp thứ 6, sau Dubai, Bangladesh, Kabul (Afghanistan).
Tới 11h30p trưa, AIQ ở thủ đô tiếp tục giảm mạnh, từ 159 vào sáng sớm xuống còn 62.
Thậm chí, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng giảm từ 258,6 µg/m3 (ngày 1/10) xuống còn 17,2 µg/m3. Những nơi như Tây Hồ, Tô Ngọc Vân trước đó ở ngưỡng AQI cao chót vót thì hiện đã hạ xuống lần lượt là 60 và 63.
Các khu vực cao nhất từng ghi nhận được cũng giảm đáng kể, cao nhất là Hàng Đậu (154), tiếp theo là Kim Liên (126), Thành Công (119) và bờ Hồ Hoàn Kiếm (118). Trang AirVisual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ.
Như vậy, sau nhiều ngày chỉ số AQI ở mức nguy hại, đặc biệt nguy hiểm, chất lượng không khí ở Hà Nội đã được cải thiện đáng kể.
Theo các chuyên gia, có thể do sáng nay Hà Nội có mưa lớn, không khí ông nhiễm, khói bụi giảm hẳn. Thay vì cảm giác khó chịu thì nay người dân có phần thoải mái hơn. Dự kiến, chỉ số này sẽ duy trì từ nay tới ngày mai nếu thời tiết còn mưa.
Tuy chỉ số ô nhiễm của Hà Nội có giảm, nhưng một số nơi vẫn nằm trong ngưỡng đỏ và cam - ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe, nên người dân trước khi ra ngoài vẫn cần trang bị đầy đủ mũ, áo, khẩu trang, kính hay găng tay để bảo vệ.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài gần 3 tuần, gần đây nhất chỉ số AQI chạm ngưỡng tím, thậm chí có điểm đo được ở ngưỡng nâu, đặc biệt nguy hiểm, báo động ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, cảnh báo mọi người không được ra ngoài.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nồng độ bụi PM2.5 những ngày tháng 9 ở ngưỡng cao nhất trong 5 năm gần đây. Bộ đề nghị người dân cần đặc biệt chú ý đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Trong trường hợp ra ngoài, người dân nên đeo khẩu trang và kính mắt.
Cũng trong 1/10, tại Hội nghị giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, ông Vũ Đăng Định – Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội chỉ ra 12 nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; phá dỡ các công trình xây dựng, xây dựng các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm;
Các nguồn khác nữa là: Đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa;
Người phát ngôn thành phố cho biết, trước thực trạng trên, Hà Nội đã triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí.
Bình luận