Sáng 2/12, hàng chục tài xế ở Khánh Hòa tiếp tục dùng tiền có mệnh giá thấp để thanh toán khi qua trạm BOT Ninh An (đóng tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Theo đại tá Đặng Đức Luân, Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa, từ sáng các tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm làm giao thông trên quốc lộ 1 qua khu vực này bị ách tắc.
“Có khoảng 20 tài xế dùng tiền lẻ, giao thông bị ách tắc khoảng 2 km, đến hơn 11h trưa mọi việc được giải quyết, giao thông trở lại bình thường”, đại tá Luân nói.
Trước đó, vào chiều tối 30/11, nhiều tài xế khi qua trạm BOT Ninh An dùng tiền mệnh giá nhỏ để mua vé, kéo dài thời gian giao dịch, dẫn đến tình trạng xe ùn ứ. Sự việc vãn hồi khi về khuya, đến 6h sáng hôm sau (1/12) các tài xế lại dùng tiền lẻ khi qua trạm, dẫn đến giao thông ùn tắc khoảng 2 km.
Theo ghi nhận, hầu hết tài xế dùng tiền lẻ mua vé khi qua BOT Ninh An đều ở Khánh Hòa, chủ yếu ở các xã, huyện, lân cận của trạm thu phí.
Các tài xế cho biết việc đặt trạm BOT Ninh An ở vị trí này là bất hợp lý.
“Chúng rôi chỉ lưu thông hơn 5 km cũng phải trả phí. Trong khi đó, chưa tính ngay quốc lộ 26 đi Đắk Lắk cũng có một trạm, cửa hầm đèo Cả cũng có một trạm. Với quãng đường hơn 10 km, chúng tôi phải trả ít nhất 2 lần phí, là không hợp lý chút nào”, tài xế Nguyễn Minh Hùng (trú thị xã Ninh Hòa) bức xúc.
Chiều 1/12, Công ty CP Tập đoàn ĐTXD Cầu đường Sài Gòn, xí nghiệp quản lý trạm BOT Ninh An, có văn bản gửi đến Công an thị xã Ninh Hòa, Trạm CSGT Ninh Hòa, Chi cục quản lý đường bộ 3.3, Phòng CSKT tỉnh Khánh Hòa, nhờ can thiệp để điều tra, xử lý các hành động làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh tại trạm thu phí.
Theo Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (chủ đầu tư trạm BOT Ninh An), Bộ GTVT đã đồng ý đề đơn vị này giảm 100% phí đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và xe tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt, vận tải khách công cộng.
Giảm 100% phí đối với xe vệ sinh môi trường, loại xe hoạt động công ích không thuộc đơn vị kinh doanh. Việc giảm này áp dụng cho các xã Ninh Lộc, Ninh Quang và phường Ninh Hà (thuộc thị xã Ninh Hòa).
“Trước mắt, việc miễn giảm sẽ chỉ áp dụng cho 3 địa phương nói trên, còn các vùng khác chúng tôi đang nghiên cứu, giải quyết sau, dự kiến sang năm 2018”, lãnh đạo Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa nói.
Trong khi đó, trao đổi với các tài xế, họ không chấp nhận việc chỉ giảm cho 3 địa phương lân cận. “Chúng tôi sẽ còn tiếp tục phản đối cho đến khi các tài xế cảm thấy hợp lý thì thôi”, tài xế Hùng khẳng định.
Theo giới luật sư, việc CSGT tạm giữ giấy tờ của tài xế khi đợi nhân viên trạm BOT Cai Lậy thối tiền là sai quy định vì những người này không vi phạm pháp luật.
Bình luận