Cuối năm 2014, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội lắp đặt 38 cụm bè thủy sinh trồng cây thủy trúc trên sông Tô Lịch (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Cầu Mới - Ngã Tư Sở) với chiều dài hơn 6km.
Việc thả bè thủy trúc được kỳ vọng sẽ hỗ trợ làm sạch nước tự nhiên nhờ phần thân và rễ có vai trò như bộ lọc, chuyển các chất ô nhiễm thành sinh khối của cây và cung cấp bổ sung ô xy vào nước.
Tuy nhiên, sau 4 năm trồng bè thủy trúc, đa phần người dân sống gần sông Tô Lịch lại cho rằng họ không cảm nhận được sự thay đổi.
"Cây hút mùi đấy nhưng chả đỡ đâu. Những ngày mùa đông trời rét thì đỡ mùi nhưng như mùa nóng vừa rồi, nếu trời mưa thì khi đi qua chỗ Cầu Mọc không thể chịu nổi", ông Nguyễn Văn Hòa (người sống gần sông Tô Lịch) chia sẻ.
Ông Phạm Đức Ngần (sống ở nhà 43 đường Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ, cách đây không lâu, có một người ở tỉnh lẻ nôn thốc nôn tháo khi đi qua đây vì mùi sông bốc lên ghê quá.
"Không có gì khác cả, cây này làm sao hút được hết. Theo tôi, việc trồng cây này không ăn thua gì về khử mùi và màu cả", ông Ngần nói.
Còn ông Nguyễn Đình Thoa, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc trồng cây thủy trúc có tác dụng đỡ một phần nào đó vì bè cây còn thưa và ít. Điều quan trọng nhất là nước sông ít nên bẩn, bốc mùi hôi thối vì không chảy đi được.
Ông Thoa cho rằng, nếu con sông này nước đầy thì sẽ khắc phục được mùi lẫn màu đen kịt ô nhiễm.
Trái ngược với đánh giá của người dân, lãnh đạo Xí nghiệp thoát nước số 1- Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho rằng, qua 4 năm trồng, bè cây thủy trúc đã có tác dụng nhất định như làm giảm mùi ô nhiễm, lọc nước thải, giúp cảnh quan sông Tô Lịch đẹp hơn nhiều.
"Chúng tôi đánh giá hiệu quả của các bè thủy trúc, qua cảnh quan và qua việc công nhân dọn dẹp rác thải ở sông Tô Lịch cảm nhận cũng đã bớt mùi, còn đo đạc bằng máy móc thì chưa có vì nước thải chảy ra đây thường xuyên", vị lãnh đạo cho hay.
Theo vị lãnh đạo xí nghiệp thoát nước, việc đo đạc đã được thực hiện ở trên các hồ tách riêng nước thải khỏi nước hồ và cho thấy việc trồng bè thủy trúc giảm hàm lượng ni tơ, hữu cơ trong nước, giúp đỡ mùi thối, không bùng nổ tảo.
Về việc người dân phản ánh nước sông Tô Lịch vẫn còn màu trắng đục, đen, vị này giải thích là do các cống xả thải hiện vẫn chưa được tách riêng ra khỏi sông. Khi nào hệ thống nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải ở Yên Xá, khi đó nước sông sẽ đỡ được màu và mùi ô nhiễm.
Lãnh đạo Xí nghiệp thoát nước số 1 cho rằng việc kiến làm tổ trong những bè thủy sinh là minh chứng cho thấy mức độ ô nhiễm của sông đã giảm.
"Kiến bò làm tổ trong bè thủy trúc chứng tỏ mức độ ô nhiễm giảm, không độc hại lắm thì sinh vật mới sống được, nếu cao thì kiến, ruồi chả sống được", vị lãnh đạo xí nghiệp nhận xét.
Theo lãnh đạo Xí nghiệp thoát nước số 1, thời gian tới đơn vị cũng chưa có kế hoạch trồng thêm các bè thủy trúc vì nếu trồng dày đặc sẽ làm cản trở dòng chảy. Xí nghiệp đang xin báo cáo thành phố về việc bổ cập nước Hồ Tây để thau rửa nước thải sông Tô Lịch về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý.
Một số hình ảnh bè cây thủy trúc sau 4 năm thả tại sông Tô Lịch:
Sông Tô Lịch có tổng chiều dài 13,3km, lưu vực thoát nước 20km2, thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì, với lưu lượng 150.000m3/ngày đêm.
Hầu hết nước thải đô thị chưa qua xử lý đều chảy ra sông nên nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng.
Bình luận