• Zalo

'Sạt nghiệp' vì bị website thương mại điện tử trá hình

Kinh tếThứ Hai, 09/07/2012 04:25:00 +07:00Google News

Do thiếu hiểu biết về thương mại điện tử và lòng tham mà không ít người đã bị các trang web bán hàng đa cấp núp bóng thương mại điện tử lừa mất hàng chục triệu.

Do thiếu hiểu biết về thương mại điện tử và lòng tham mà không ít người đã bị các trang web bán hàng đa cấp núp bóng thương mại điện tử lừa mất hàng chục triệu đồng.

Mất 5,2 triệu đồng để kiếm hơn 100 triệu đồng?

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về việc một số website thương mại điện tử như muaban24..., shop360... bán hàng đa cấp trá hình núp bóng danh nghĩa sàn thương mại điện tử, và rất nhiều người, mà đa số là sinh viên, hoặc những người thiếu hiểu biết đã đổ tiền vào đây.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, bạn Linh, nhà ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, do được một người bạn giới thiệu, Linh đã đến tham gia buổi nói chuyện về trang web muaban24 với hi vọng có thể kiếm được tiền không phải ăn bám bố mẹ. Sau đó, Linh đã được đại diện trang web giới thiệu các sản phẩm của công ty như ví da cá sấu, túi xách da trăn, giày da...

Tiếp theo, những "người cũ" của công ty chia sẻ, nếu muốn tham gia gian hàng để bán hàng thì phải đầu tư 5,2 triệu đồng/gian, đồng thời nếu lôi kéo được ai mua thì mình được thưởng 1,5 triệu đồng/gian. Hệ thống cứ phát triển đến khi nào 2 nhánh mỗi nhánh có 99 gian hàng (có nghĩa là có 99 cặp người tuyến dưới ở 2 nhánh) thì sẽ được công ty nâng lên 1 bậc là VIP và thưởng VIP 80 triệu đồng. Với mỗi gian hàng gián tiếp, người tham gia cũng sẽ nhận được 320 nghìn đồng. Như vậy, từ việc mời 2 người tham gia, người tham gia có cơ hội kiếm được hơn 110 triệu đồng thông qua “vận động” của các thành viên khác. Càng mở nhiều gian hàng thì càng có nhiều cơ hội thành nhiều VIP.

Ngày đầu tiên đi làm, Linh được dặn ăn mặc thật đẹp để "thay đổi hình tượng" và được học phương pháp thành công, tạo danh sách lập ra các mối quan hệ để đi chia sẻ, mời người tham gia vào hệ thống. Khi Linh hỏi về việc bán sản phẩm của các gian hàng thì được trả lời "đến bao giờ cộng đồng tăng lên thì mới cho doanh nghiệp vào để bán sản phẩm". Nhận thấy mùi "lừa đảo", vì các công ty bán hàng đa cấp khác như Amway áp dụng chiêu "người tham gia nộp tiền vào để nhận sản phẩm và đi bán sản phẩm", còn muaban24 kinh doanh thông qua "các gian hàng mà người tham gia không nhất thiết phải đăng sản phẩm" nên Linh đã dừng lại không tiếp tục mất thêm tiền để mua gian hàng. "Bạn của mình đã mất đến hơn 30 triệu đồng khi tham gia trang muaban24", Linh cho biết thêm.

Để tránh bị lừa đảo, người tiêu dùng phải tỉnh táo trước bất kì mô hình làm giàu nghe quá dễ dàng và bất kì ai cũng có thể làm được. Ảnh: Internet  

Chỉ cần lên Google và gõ từ khóa "muaban24 lừa đảo", bất kì ai cũng dễ dàng tìm thấy những trường hợp bị lừa đảo giống với Linh. Thành viên tuan22782 chia sẻ trên trang web Vật Giá: "Tôi có thằng em nó mới học xong đại học và đang ở với vợ chồng mình. Hôm qua về thấy bố nó gọi điện bảo nó đã xin 12,6 triệu để kinh doanh gì đó. Tôi chột dạ có linh cảm ngay vì vừa 2 hôm trước nó bảo với mình em chuẩn bị đi làm cho một công ty thương mại điện tử. Do nó vừa học công nghệ thông tin xong nên nghe nói làm đúng ngành học ra tôi cũng mừng nhưng vì bận quá không có thời gian tìm hiểu. Nghe bố nó bảo tôi linh cảm ngay rồi tra hỏi nó, nó ấp a ấp úng và bảo là phải mua gian hàng trên muaban24 và đã cắm máy tính, giấy tờ xe để nộp 12,6 triệu đồng cho công ty đó rồi".

Sự thiếu hiểu biết về thương mại điện tử

Khi được hỏi về lý do tại sao các trang bán hàng đa cấp trá hình núp bóng danh nghĩa sàn thương mại điện tử đã được cảnh báo rất nhiều trong thời gian qua mà vẫn bị mắc lừa, bạn Linh cho rằng, do họ có những lý luận rất hay nên dễ làm người nghe "mủi lòng", đó là chưa kể đến bên cạnh những bài báo tố cáo trang web này thì cũng có không ít các website ca ngợi. Việc khiếu kiện trang web này cũng có rất nhiều khó khăn vì "họ lách luật rất tốt, không có bất kì một giấy tờ ký kết, bảo hộ lao động nào cả". "Ngay cả khi giao 5,2 triệu cũng không có giấy tờ nào vì họ bảo thương mại là phi giấy tờ", Linh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết của mọi người về xã hội, thương mại điện tử cũng như các mô hình lừa đảo. "Lòng tham cũng là một lý do khác khiến mọi người dễ bị dụ dỗ tham gia", ông Bình cho biết thêm.

Sở dĩ, các website bán hàng đa cấp lại núp bóng thương mại điện tử vì nó là một khái niệm mơ hồ với đại đa số dân chúng nhưng lại được truyền thông nhắc đến rất nhiều nên các kẻ lừa đảo dễ dàng lạm dụng thuật ngữ đó, dù bản chất các trang web như muaban24 không phải là thương mại điện tử.

Ông Bình cho rằng, dù hơi "vơ đũa cả nắm" nhưng với tình hình "biến tướng" ở Việt Nam, đa số các loại hình bán hàng đa cấp đều là lừa đảo. Chính vì thế, người tiêu dùng phải tỉnh táo, thận trọng trước bất kì mô hình làm giầu "nghe quá dễ dàng và bất kì ai cũng có thể làm được".

Theo Nguyễn Khiêm/ICTnews

Bình luận
vtcnews.vn