Ngày 5/9, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong giai đoạn này, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính bên trong đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương giảm 7 sở; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở giảm 1.648 tổ chức; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm 451 tổ chức. Kết quả sắp xếp đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập giảm 7.721 đơn vị, giảm 13,85% so với năm 2015.
Cũng theo bộ trưởng, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước năm 2021 là 247.722 biên chế, giảm 27.530 biên chế, giảm 10,01% so với năm 2015. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2021 giảm 11,67%, vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Tổng số công chức cán bộ, công chức cấp xã năm 2021 giảm 8,94% so với năm 2015; số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố năm 2021 giảm 49,26% so với năm 2015.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, ngành Thanh tra đã triển khai 46.901 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua thanh tra, kiểm tra 71.207 cơ quan, đơn vị, kiến nghị trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xử lý hành chính 1.853 người, xử lý hình sự 53 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 320 vụ, 420 đối tượng…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên cả nước đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Tổ công tác cũng cho rằng, việc quản lý, sử dụng đất, tài sản công tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, thiếu chặt chẽ và không hiệu quả; vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích, để lãng phí.
Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, bộ máy tư pháp chưa đạt yêu cầu đề ra. Cơ cấu tổ chức trong một số bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; vẫn còn tình trạng chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan; tinh giản biên chế một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
Tổ công tác (Đoàn giám sát) đề nghị kiểm soát chặt chẽ trong việc lập, thẩm định, phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và các năm sau; đánh giá và có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp….
Có những đơn vị sự nghiệp có thể chuyển thành công ty cổ phần
Thảo luận, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn thành phố Hà Nội nêu thực tế, các Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hình thức, máy móc, không mang lại kết quả thực tế. Hầu hết các Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các bộ, ngành, địa phương ban hành giống nhau, không có điểm nhấn, không nêu mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, có một số chỉ tiêu, mục tiêu trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại được áp dụng máy móc, dập khuôn, đơn cử như chỉ tiêu tinh giản biên chế 10% không phù hợp với ngành giáo dục và y tế, trong bối cảnh hai ngành này đang thiếu nhân lực.
Cho rằng cần đánh giá thực chất thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tinh giản biên chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2020, số viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 11%, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng là tối thiểu 10%. Tính từ đầu kỳ báo cáo đến cuối kỳ báo cáo, số lượng viên chức và số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm, tuy nhiên theo đại biểu số lượng đơn vị sự nghiệp công lập có thể giảm nhiều hơn.
Đơn cử như tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu kỳ báo cáo là 114 đơn vị, cuối kỳ báo cáo là 104 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập có tới hơn 2 nghìn biên chế, theo đại biểu có những đơn vị sự nghiệp công lập có thể chuyển thành các công ty cổ phần hoặc chuyển giao tư nhân quản lý. Đại biểu đề nghị trong kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội cần giao Chính phủ sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hơn nữa số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Giang cũng nêu thực tế số lượng biên chế được giao và số thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương có sự chênh lệch lớn, nhất là số thực hiện thấp hơn số được giao. Theo đại biểu, việc giao ngân sách theo số biên chế là nguyên nhân chính khiến các đơn vị sự nghiệp công lập khó thực hiện tự chủ, đại biểu đề nghị cần giao ngân sách theo sản phẩm đầu ra.
Phát biểu kết luận, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo quyết liệt hoàn chỉnh Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 9/2022. Đối với nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XIV (14 chuyên đề), trong đó có 7 chuyên đề liên quan trực tiếp đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ, Bộ Tài chính cần đánh giá kết quả và việc thực hiện kiến nghị của 7 chuyên đề giám sát để báo cáo Quốc hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa và giao cho các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ông cũng đề nghị cân nhắc nội dung kiến nghị của Đoàn Giám sát về việc ấn định thời gian thực hiện nhiệm vụ trong năm 2022 và những nhiệm vụ hoàn thành 6 tháng đầu năm 2023 và các năm tiếp theo.
Bình luận