• Zalo

Sáp nhập PGBank, Vietinbank hưởng lợi gì?

Kinh tếThứ Ba, 14/04/2015 07:10:00 +07:00Google News

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Vietinbank cũng đã công bố kế hoạch sáp nhập PGBank trong năm 2015 với nhiều lợi ích.

(VTC News) -  Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Vietinbank cũng đã công bố kế hoạch sáp nhập PGBank trong năm 2015 với nhiều lợi ích.

Sáp nhập PGBank

Tối 13/4, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) bổ sung một số tờ trình và báo cáo vào bộ tài liệu phục vụ nhà đầu tư tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 diễn ra sáng 14/4.

Trong đó, thông tin được nhà đầu tư quan tâm nhất chính là thương vụ sáp nhập với ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank)

Vietinbank cho biết với định hướng xây dựng Vietinbank trở thành ngân hàng hàng đầu, có quy mô năng lực xứng tầm khu vực, Vietinbank đã nỗ lực tìm kiếm, sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy PGBank là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào Vietinbank.

Vietinbank đánh giá việc sáp nhập này sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, hướng đến một mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa Petrolimex và Vietinbank, qua đó mang lại lợi ích tổng thể cho các cổ đông, khách hàng và Nhà nước.

vietinbank
Vietinbank sẽ hưởng nhiều lợi ích sau khi sáp nhập PGBank 
Cụ thể, sau sáp nhập, Vietinbank sẽ mở rộng quy mô vốn, nâng cao năng lực tài chính, tiến dần đến mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại có quy mô và năng lực cạnh tranh tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Bên cạnh đó, ngân hàng có cơ hội mở rộng mạng lưới, chi nhánh; mở rộng cơ sở khách hàng; nâng tầm mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài với các tổng công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng.

Xuất phát từ những lý do đó, để không bỏ lỡ cơ hội tạo bước tăng trưởng chiến lược, Hội đồng quản trị Vietinbank đã đàm phán với Hội đồng quản trị PGBank nhằm chuẩn bị tiền đề cho các giao dịch sáp nhập.

Hội đồng quản trị cũng đã thuê đơn vị tài chính độc lập là công ty Deloitte và đơn vị tư vấn pháp lý là công ty Mayer Brown JSM xây dựng dự thảo đề án sáp nhập và hợp đồng sáp nhập.

Đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của PGBank đạt 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 25.779 tỷ đồng, tín dụng hơn 14.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế 168 tỷ đồng. PGBank có 16 chi nhánh và 63 phòng giao dịch. Cổ đông chiến lược của PGBank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex sở hữu 40% vốn điều lệ.

Chi hơn 3.700 tỷ đồng trả cổ tức

Vietinbank cũng đã công bố tờ trình phân phối lợi nhuận, tờ trình thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.

Theo đó, Hội đồng quản trị đề xuất cổ đông phê duyệt phương án trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 282 tỷ đồng; trích quỹ dự phòng tài chính 10% lợi nhuận sau thuế tương đương 565 tỷ đồng; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 1.000 tỷ đồng.

Vietinbank sẽ chi 3.723 tỷ đồng tiền mặt để chi trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Số tiền này tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng. Đây là tỷ lệ cổ tức đáng khích lệ trong ngành ngân hàng thời gian này.

Năm 2015, Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận 7.300 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế là 5.694 tỷ đồng.  Dự kiến sẽ chi trả cổ tức 2015 với tỷ lệ 7 - 10% vốn điều lệ.

Ngân hàng cũng xác định mức thù lao Hội đồng quản trị và ban kiểm soát năm 2015. Theo đó, hai ban này sẽ nhận 0,36% lợi nhuận sau thuế 2015, tương đương 20,5 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi lãnh đạo sẽ nhận 1,58 tỷ đồng/người/năm.

Vietinbank cho biết thêm trong trường hợp ngân hàng bổ sung thêm thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định mức thù lao phát sinh thêm trên cơ sở số lượng thành viên thực tế.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn